Đề xuất 4 nhóm chính sách sửa đổi Luật Căn cước công dân

18:27 | 17/03/2023
(LĐTĐ) Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách. Trong đó, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân.
Người dân có bắt buộc phải đăng ký tài khoản định danh điện tử không? Hà Nội: 4,8 triệu người có thể sử dụng Căn cước công dân để khám chữa bệnh Gần 11,8 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng Căn cước công dân gắn chíp

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, ngày 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (đồng thời xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chương trình năm 2023, cụ thể là trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Đề xuất 4 nhóm chính sách sửa đổi Luật Căn cước công dân
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Quốc hội.

Trong đó, về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách:

Một là, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân.

Hai là, bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Ba là, bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Bốn là, hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ đề nghị các chính sách gồm: Hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng; Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân; quy định về xử lý nợ xấu...

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm cơ sở pháp lý và sự đồng bộ, thống nhất trong việc tích hợp, quản lý, sử dụng thông tin trong thẻ Căn cước công dân theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đề xuất 4 nhóm chính sách sửa đổi Luật Căn cước công dân
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật này nhằm bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật hiện hành, đặc biệt là trong thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với hai dự án Luật nêu trên.

Cũng trong phiên làm việc ngày 17/3, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này