Phải thu hồi đất dự án “trao tay”, “đắp chiếu”!

11:42 | 16/03/2023
(LĐTĐ) Mặc dù mới đưa ra lấy ý kiến nhân dân thời gian ngắn, nhưng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã lập kỷ lục về số người tham gia đóng góp ý kiến. Đơn giản, đất đai với người dân gắn bó như “cá với nước; máu với thịt”. Những bất cập của luật hiện hành đã làm nảy sinh các vụ khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai thời gian qua.
Sửa đổi Luật đất đai, ba điều mong chờ Cần tách bạch các mục đích thu hồi đất, thành lập tổ chức định giá đất độc lập Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ quy hoạch sử dụng đất
Phải thu hồi đất dự án “trao tay”, “đắp chiếu”!
Ảnh minh họa.

Tiếp anh bạn quê Nam Định ra Hà Nội công tác ghé thăm. “Đàm đạo” về vấn đề đất đai, anh nói, tiếng là ở quê, nhưng mình rất quan tâm đến thời sự, nhất lại là chuyện đất đai. Phải thừa nhận, nếu Trung ương không sớm ban hành Nghị quyết về chính sách đất đai (NQ18-PV) thì tình hình đất đai hiện vẫn rất nóng. Và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa tiến hành lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đây là tín hiệu mừng, nhưng theo anh, trong khi chờ luật, chờ các văn bản hướng dẫn thì Nhà nước cũng cần ban hành văn bản về việc tổng rà soát lại các dự án đã được cấp phép, hoặc đồng ý chủ trương đầu tư thời gian qua. Những dự án nào bị “qua tay”, đổi chủ nhiều lần vẫn không thể triển khai, hoặc làm cho có để qua mắt các cấp quản lý, mục đích là để giữ đất; những dự án không có khả năng tài chính nằm “đắp chiếu” phải kiên quyết thu hồi.

Nghe anh nói, đúng là không việc gì người dân không biết; “tai, mắt” nhân dân cũng chính là một trong những nguồn thông tin bổ ích để giúp chính quyền nắm bắt, kịp thời giải quyết những bất cập trong quá trình điều hành. Trở lại câu chuyện của anh bạn, thực tế thời gian qua, trên địa bàn cả nước, những dự án bị “trao tay”, đổi chủ; dự án “đắp chiếu” là không thiếu.

Lý do, vì sự bất cập của luật và các văn bản dưới luật cũng như sự buông lỏng quản lý hoặc “cố tình” buông lỏng của các cấp chính quyền khiến cho không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để phát triển kinh tế rồi lách luật “buôn dự án”. Điển hình, một doanh nghiệp A khi đến địa phương B “nhìn thấy” mảnh đất có thể làm dự án du lịch sinh thái. Thế là doanh nghiệp về “vẽ ra” dự án trình các cấp thẩm quyền của địa phương; các cấp có thẩm quyền sau khi xem xét, chấp thuận, trình tỉnh, thành phê duyệt. Doanh nghiệp được chính quyền giao đất, tiến hành giải phóng mặt bằng.

Trong số này nếu những nhà đầu tư lớn, tiềm năng thì dự án triển khai nhanh, đúng tiến độ và đúng giấy phép. Còn có những doanh nghiệp được đất xong “vội vàng” trao tay cho doanh nghiệp khác đến ba bốn lần để kiếm lời, số này cũng không ít. Dân thì mất đất, giá đền bù rẻ, Nhà nước thì cũng chẳng thu được thuế từ dự án vẽ ra lúc đầu, chỉ có nhà đầu tư là thắng quả. Đây chính là một trong những bất cập khiến xung đột về đất đai gia tăng. Do đó, trước khi tiến hành sửa đổi Luật Đất đai, ý kiến về đề xuất Nhà nước cần tổng rà soát để thu hồi những dự án “qua tay” nằm “đắp chiếu” là cần thiết.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này