Vì sao khó bỏ giá trần vé máy bay?

08:18 | 16/03/2023
(LĐTĐ) Câu chuyện giá trần vé máy bay lại nóng lên khi mới đây, đại diện các hãng hàng không thêm một lần nữa kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay nội địa đối với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên. Lý do được các hãng đưa ra là đảm bảo đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.
Nới lỏng giá trần vé máy bay để giải áp lực cho hàng không? Vietnam Airlines tặng vé máy bay miễn phí cho người lao động về quê đón Tết

Bỏ giá trần để tăng sức cạnh tranh

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, việc bỏ quy định giá trần sẽ là bước ngoặt căn bản, cần thiết để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bằng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng và theo đúng hướng kinh tế thị trường. Khi bỏ quy định giá trần, ngoài việc cung cấp chất lượng dịch vụ tương xứng và phù hợp định hướng phát triển, các hãng hàng không sẽ được chủ động cân nhắc mức giá sao cho thị trường chấp nhận.

Khung giá vé máy bay hiện nay đang được áp dụng theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 24/7/2015 về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.

Vì sao khó bỏ giá trần vé máy bay?
Việc bỏ hay giữ giá trần vé máy bay nội địa vẫn đang được bàn luận sôi nổi. Ảnh minh họa: H.P

Theo thông tư này, khung giá vé máy bay đang được áp dụngcho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500 - 800km, mức giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.

Đây là mức giá thu thuộc về hãng hàng không, còn về phía khách hàng sẽ phải thanh toán thêm thuế VAT áp dụng trên doanh thu thuộc về hãng hàng không cộng thêm mức thuế, phí sân bay (từ 80.000 - 120.000 đồng tùy theo các cấp sân bay).

Thực tế cho thấy, do gánh nặng dịch bệnh, chi phí nhiên liệu, tỷ giá và lãi suất, năm vừa qua báo cáo tài chính của các hãng hàng không cho thấy không doanh nghiệp nào có lãi.

Thống kê cho biết, năm 2022, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 305.080 chuyến bay thương mại, tăng gấp 2,34 lần so với năm 2021 và bằng 90,2% chỉ số tương ứng của năm 2019, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.Tuy nhiên, theo khẳng định của các hãng hàng không, sự phục hồi của các doanh nghiệp vận tải hàng không trong chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới.

Giá nhiên liệu bay liên tục tăng vọt trong năm 2022, có thời điểm đạt mức trên 160 USD/thùng. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay đạt 130 USD/thùng, tăng khoảng 80% so với mức trung bình của năm 2021. Trong giai đoạn trước mắt, giá nhiên liệu bay vẫn được dự báo dao động ở mức 110-130USD/thùng, gây bất lợi lớn cho các hãng hàng không, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu chiếm tới hơn 40% tổng chi phí khai thác.

Bên cạnh đó, USD tăng giá khoảng 9% so với VND trong năm 2022 cũng gây áp lực tài chính lớn cho các hãng bay, khi đây là đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến nhất để thanh toán các chi phí hoạt động, như: Phí mua nhiên liệu, thuê mua tàu bay, dịch vụ thuê ngoài phục vụ hành khách. Đây đều là các nhân tố ảnh hưởng mạnh tới khả năng điều tiết giá cả một cách hiệu quả của các hãng bay, cũng như toàn thị trường. Do đó, trong ngành hàng không nội địa đang tồn tại một nghịch lý là mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng nhiều hãng bay vẫn báo lỗ.

Đây là lý do dù cạnh tranh gay gắt với nhau nhưng tất cả các hãng hàng không trong nước đều chung kiến nghị cần thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, nhất là trần giá vé máy bay quá thấp đang kìm hãm sự phục hồi và tăng trưởng của ngành.

Làm sao hành khách phổ thông cũng phải là “thượng đế”

Thực tế cho thấy, bỏ giá trần vé máy bay sẽ có lợi cho hãng hàng không vào giai đoạn cao điểm du lịch hè, Tết… Tuy nhiên, điều này có thể khiến hành khách gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ hàng không vào dịp cao điểm. Nguy cơ này là hiện hữu bởi hạ tầng hàng không đang quá tải, không thể mở rộng thêm.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã từng đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có sự cạnh tranh của 3 hãng trở lên, qua đó giúp các hãng hàng không chủ động trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn.

Theo quy định tại Điều 116 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa (bao gồm vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa) trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải.

Ðại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhận định, nước ta đang có 6 hãng hàng không khai thác, việc áp giá trần đến thời điểm này là không cần thiết, không phù hợp thực tế cũng như thông lệ thị trường hàng không của tất cả các nước trên thế giới. Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần để được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không và theo đúng hướng kinh tế thị trường.

Luật Cạnh tranh đã quy định cấm thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, cơ chế này chỉ hỗ trợ linh hoạt nhằm giãn biên độ dải vé phù hợp thị trường, đồng thời giúp hãng chủ động có điều chỉnh kịp thời khi giá nhiên liệu biến động. Do đó, các hãng bay không được “bắt tay nhau” thao túng giá vì như vậy là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, mỗi hãng hàng không lại có một định hướng phát triển khác nhau, trong bối cảnh cạnh tranh khá quyết liệt ở thị trường nội địa, việc đồng loạt tăng giá là không khả thi.

Các hãng hàng không cũng kiến nghị, nếu chưa thể sửa được luật, thì trước mắt cơ quan quản lý Nhà nước có thể cho phép các hãng được điều chỉnh nâng giá trần phù hợp với các chi phí đầu vào ở thời điểm hiện tại và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp thì đề xuất trên của các hãng không phải không có lý khi cho rằng, giá vé máy bay cần để cho thị trường quyết định dựa trên nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khó khăn, các chi phí đầu vào tăng cao, việc áp dụng giá trần vé máy bay đã tước đi cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cao điểm để bù đắp cho giai đoạn thấp điểm.

Một số chuyên gia kinh tế cũng đồng tình quan điểm này khi quan sát thấy trên thế giới hầu như không có quốc gia nào còn quản lý vé bay bằng giá trần, ví dụ như Thái Lan, Indonesia... Các chuyên gia cho rằng, sớm hay muộn cũng nên bỏ giá trần.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ người dân, câu chuyện bỏ giá trần là rất đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, vào những ngày cao điểm trước và sau Tết, trên các chặng bay có nhu cầu cao như Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh và giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Bắc, miền Trung… giá vé luôn cao ngất ngưởng ở mức kịch trần. Cụ thể, với chặng bay từ 1.280km trở lên, giá vé lên đến gần 10 triệu đồng/cặp khứ hồi; với chặng bay từ 850km đến dưới 1.280km, giá vé khoảng 8 triệu đồng/cặp khứ hồi; với chặng bay 500km đến dưới 850km, giá vé khoảng 6 triệu đồng/cặp khứ hồi…

Dù giá vé cao nhưng nhiều người có nhu cầu cũng không mua được. Vậy nếu bỏ giá trần, giá vé sẽ tăng lên bao nhiêu? Người dân lao động sẽ phải dành dụm bao lâu, chắt chiu thế nào để đủ tiền mua vé máy bay về quê đón Tết sau cả năm dài tha hương?

Trước thông tin các hãng hàng không kiến nghị bỏ giá trần, một nữ công nhân đã thốt lên rằng: “Giá vé máy bay đang rất cao kể từ sau đại dịch. Nếu bỏ trần giá vé thì càng ít người có cơ hội được tiếp cận loại hình dịch vụ này. Các hãng hàng không muốn nâng giá nhưng liệu đã tính tới khả năng chi trả của người dân. Một lượt bay bây giờ bằng cả tháng lương tối thiểu vùng thì không phải chuyện nhỏ”.

Vẫn biết giá cả dịch vụ hàng không khác giá cả hàng hóa thông thường, cấu trúc giá vé phức tạp hơn rất nhiều khi phụ thuộc vào giá nguyên nhiên liệu, thuê máy bay, nhân lực, biến động tỷ giá… Vẫn biết các doanh nghiệp hàng không đang đối diện nhiều khó khăn, thậm chí là nguy cơ phá sản, nhưng việc bỏ giá trần vé máy bay nội địa cần phải được nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng.

Để một ngành kinh tế nào đó phát triển, chính sách đưa ra cần cân đối hài hòa lợi ích của 3 yếu tố gồm: Chính phủ - người tiêu dùng - nhà sản xuất. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách giá trong hàng không bên cạnh việc tôn trọng theo quy luật thị trường, quan hệ cung - cầu, thì việc quản lý cũng cần đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, định hướng cho thị trường phát triển lành mạnh.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này