Luật Thủ đô phải “đủ mạnh” cho Hà Nội phát triển

16:45 | 16/03/2023
(LĐTĐ) Ngày 15/3, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng Thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô". Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và khán giả đã thảo luận, đóng góp nhiều ý trách nhiệm, tâm huyết đối với dự án Luật.
Hà Nội: Tăng cường tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) Hoàn thiện Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, tiến độ

Trao quyền cho chính quyền Thành phố

Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được nghiên cứu xây dựng với 9 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính đặc thù, vượt trội, khả thi, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm.

Luật Thủ đô phải “đủ mạnh” cho Hà Nội phát triển
Các khách mời tại Tọa đàm.

Nhìn từ góc độ thực tiễn, Tiến sỹ Dương Thị Thanh Mai - nguyên chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp cho rằng, mặc dù Luật Thủ đô hiện hành có 14 điều quy định về các chính sách đặc thù cho Thủ đô, nhưng có đến 9 điều giao cho chính quyền Thủ đô ban hành văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Mặc dù các chính sách đều đúng nhưng khá chung chung, mang tính định hướng mà thiếu những cơ chế và điều kiện bảo đảm thực hiện.

Trong đó, Luật Thủ đô hiện hành không có điều nào quy định về tổ chức bộ máy Thủ đô, cũng không có quy định phân cấp, phân quyền. Trong khi thực tế, rất cần trao quyền cho chính quyền Thành phố được điều chỉnh, quyết định một số vấn đề nhất định như tự quyết định biên chế cho các cơ quan của Thành phố và các quận, huyện trên cơ sở tổng biên chế được giao; giao quyền cho người đứng đầu có thể chủ động ký hợp đồng lao động ở các vị trí có nhu cầu, thậm chí người đứng đầu có thể chọn cấp phó của mình; tạo cơ chế sự thống nhất về công chức từ cấp xã đến thành phố...

Một số ý kiến cho rằng, Hà Nội có ưu thế lớn về nguồn nhân lực với khoảng 12.000 tiến sĩ công tác, làm việc trên địa bàn và Thành phố cần được trao cơ chế để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao này. Tuy nhiên, mức lương cao nhất được trả cho các nhà khoa học là 40 triệu đồng/tháng, so với khu vực tư, mức thu nhập này chưa đủ sức hút. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, không chỉ vấn đề thu nhập, mà cần phải trao cho các nhà khoa học quyền chủ động trong việc tổ chức, nghiên cứu... mà không phải tuân thủ quá nhiều thủ tục. Ngoài ra, có thể tham khảo các chính sách khác như miễn thuế thu nhập cá nhân mà thành phố Buôn Ma Thuột đang áp dụng với các nhà khoa học...

Nhấn mạnh Thủ đô là trung tâm kinh tế với đóng góp 19% GDP, 16% ngân sách của cả nước, Tiến sỹ Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam (tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn phát triển, nghiên cứu kinh tế, phân tích chính sách và quản trị dự án) cho rằng, Hà Nội không chỉ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước, mà còn có tác động lớn với các tỉnh, thành lân cận. Để phát triển bứt phá, Hà Nội cần nguồn lực rất lớn, trong giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 650 nghìn tỷ, và cần nhiều cơ chế khác nhau để huy động, đáp ứng được nguồn lực này. “Với cơ chế hiện nay, Thủ đô chỉ đáp ứng được 50-60% nhu cầu này”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, Thủ đô cần được sử dụng một số nguồn lực hiện có như kết dư ngân sách năm trước, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, được vay vốn ODA, vốn đầu tư nước ngoài cho các công trình trọng điểm, vay từ nguồn khác từ sự bảo lãnh của Chính phủ, được sử dụng tài sản công hiện chưa được sử dụng hiệu quả...

Tăng mức xử phạt là cần thiết

Bình luận về ý kiến nêu việc sửa Luật Thủ đô có góp phần làm giảm giá nhà ở, TS Lê Duy Bình cho rằng, việc giảm giá nhà ở sẽ phụ thuộc vào nguồn cung căn hộ. Tuy nhiên, không thể chỉ trông chờ vào một chính sách duy nhất mà cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều chính sách như xây dựng các tuyến đường nối với các đô thị vệ tinh, có chính sách thu hút đầu tư tư nhân...

Với đề xuất Thủ đô được nâng mức tiền phạt với 3 lĩnh vực quảng cáo, phòng cháy, chữa cháy và an toàn thực phẩm, Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam cho rằng, thời gian qua, số vụ vi phạm trong 3 lĩnh vực này tăng rất mạnh. Ví dụ về phòng cháy, chữa cháy, tính từ 2016-2020, toàn Thành phố đã xảy ra 3.500 vụ cháy, nổ có ảnh hưởng khá lớn, 6.000 vụ cháy nổ nhỏ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Hay với các vi phạm về quảng cáo, có những công trình được xây dựng hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng bị dán quảng cáo khiến các công trình nhếch nhác, mất đi tính thẩm mỹ...

Ông Quang cho rằng, thực tế có những quyết định tăng mức phạt được người dân ủng hộ như Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông. Với đề xuất cho phép Thành phố tăng mức phạt với 3 lĩnh vực trên, đối tượng chịu sự điều chỉnh là những người vi phạm, chứ không ảnh hưởng đến phần lớn người tuân thủ pháp luật, nên người dân cần ủng hộ để góp phần làm cho Thủ đô văn minh hơn.

Còn về câu hỏi Luật Thủ đô (sửa đổi) có góp phần làm giảm tắc đường hay không, ông Quang bình luận, các chính sách có thể góp phần giải quyết vấn đề này như phát triển giao thông công cộng, phát triển đô thị vệ tinh, di chuyển các cơ quan Nhà nước, nhà máy, xí nghiệp cũ ra khỏi vùng nội đô...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng chính quyền Thủ đô phải được trao thẩm quyền tương xứng để huy động được nguồn lực cho phát triển, có chính sách hợp lý để duy trì được đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng tốt, gánh vác được công việc khó...Cũng theo ông Cương, Thủ đô Hà Nội rất đặc biệt so với các nước, đó là Thủ đô là trung tâm lớn về văn hóa với 5.922 di tích, có thể nói mỗi tấc đất ở Thủ đô là câu chuyện về văn hóa và nhóm chính sách về văn hóa cần được coi trọng, cần làm thế nào để khai thác, đánh thức được các giá trị đó, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa...

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này