Gỡ khó dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

18:30 | 16/03/2023
(LĐTĐ) Sau khi hoàn thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ góp phần hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới đường cao tốc khu vực phía Nam, kết nối đồng bộ với 2 tuyến cao tốc khác đang khai thác là thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. Giữ vai trò quan trọng là vậy nhưng đến nay, dự án Bến Lức - Long Thành vẫn đang chậm tiến độ; sau gần 4 năm thi công, nhiều đoạn tuyến vẫn còn dang dở, nhà thầu ngừng thi công và khởi kiện chủ đầu tư.
Làm rõ phương án thu phí và phân chia nguồn thu phí của 3 Dự án đường bộ cao tốc phía Nam 4 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ thông tuyến trước 31/12

Chậm tiến độ

Theo ông Phạm Hồng Quang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC chủ đầu tư): Tuyến Bến Lức - Long Thành dài 57,8km, qua các tỉnh Long An, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai với tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, sử dụng từ 3 nguồn vốn gồm Ngân hàng ADB (13.654,6 tỷ đồng), tổ chức JICA (11.975,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng Nhà nước (5.689,7 tỷ đồng).

Gỡ khó dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành
Dự án cao tốc Bến Lức- Long Thành đang bị chậm tiến độ.

Hiện nay dự án đang chậm tiến độ, tổng khối lượng thi công toàn bộ 11 gói thầu xây lắp đạt 81%, tương đương 11.065 tỷ đồng/13.741 tỷ đồng tổng giá trị hợp đồng không gồm dự phòng. Trong đó, đoạn 1 phía Tây đạt khoảng 81,66%, VEC đang chuẩn bị các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công mới để thực hiện các hạng mục còn lại của đoạn tuyến này, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2024.

Đoạn 2 đạt khoảng 84,6%. VEC đang làm việc với JICA về chủ trương đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu thi công mới. Do chủ trương đầu tư điều chỉnh chưa được phê duyệt nên VEC chưa thể đấu thầu lại gói J3, ký phụ lục hợp đồng gia hạn thi công gói J1.

Trong khi đó đoạn 3 phía Đông đã thi công được 33,93% đối với gói thầu A6 và 66,67% đối với gói A7 thì nhà thầu dừng thực hiện và đề nghị chấm dứt hợp đồng do các bên không đạt được thoả thuận về xử lý vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện. Gói A6 và A7 có khả năng không hoàn thành trước ngày đóng Hiệp định vay ADB (ngày 31/12/2023). Hiện nay, VEC đang đấu thầu để lựa chọn các nhà thầu mới thi công phần công việc còn lại, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu trong tháng 3/2023 để huy động ngay từ tháng 4/2023.

“Do gặp nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, dẫn đến không được bố trí vốn, phải dừng giãn tiến độ, các nhà thầu dừng thi công từ giữa năm 2019, một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng và khởi kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế để yêu cầu đền bù chi phí phát sinh. Hiện VEC đang nỗ lực xử lý hợp đồng với các nhà thầu, lựa chọn nhà thầu mới để triển khai thi công toàn bộ công trường. Thời gian hoàn thành dự án theo kế hoạch ban đầu là ngày 31/12/2023 nhưng cần điều chỉnh đến ngày 30/9/2025”, đại diện VEC cho hay.

“Khát vốn” nhiều năm liền

Giải ngân vốn đang là trở ngại lớn nhất đối với dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành. Cụ thể, đối với vốn vay JICA, vào tháng 11/2018 Quốc hội có Nghị quyết số 71/2018/QH14 với việc quyết định chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho VEC nên từ tháng 1/2019, các gói thầu sử dụng vốn vay JICA không được giao vốn, các nhà thầu dừng thi công. Đoạn tuyến này không có vốn trong 3 năm 9 tháng nên nhà thầu J3 đã từ chối thực hiện hợp đồng còn lại, khởi kiện VEC.

Đến tháng 10/2022, dự án được giao vốn nước ngoài để tiếp tục giải ngân theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Ngày 23/11/2022, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 30/9/2025, gia hạn Hiệp định vay JICA đến ngày 31/12/2025 nhằm đấu thầu lại gói J3, ký phụ lục hợp đồng gia hạn thi công gói J1.

Theo đại diện VEC: Để gỡ vướng cho dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì 3 cuộc họp với các Bộ để tháo gỡ cơ chế vốn theo hướng giao VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành dự án. Bộ GTVT và VEC kiến nghị cho phép VEC được chủ động cân đối, sử dụng ngồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay (đã tính toán đầy đủ nghĩa vụ nợ) để bố trí số vốn đối ứng còn lại của dự án với khoảng 758 tỷ đồng, tuy nhiên Bộ Tài chính không đồng thuận.

Lý do là Bộ Tài chính cho rằng nguồn thu phí do VEC quản lý là dòng tiền tạm thời nhàn rỗi khi VEC chưa trả nợ vay cho Nhà nước, thuộc sở hữu của Nhà nước, không phải là nguồn vốn chủ sở hữu của VEC. Do đó, việc VEC tự bố trí từ nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho dự án là không phù hợp.

Ngày 13/3 vừa qua, khảo sát thực tế công trường dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cho rằng, đang tồn tại một sự vô lý khi tiền nhàn rỗi của VEC thì đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng, trong khi công trình quan trọng lại trì trệ nhiều năm, không có tiền làm.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, hiện dự án đang chậm tiến độ. Việc nào của Chính phủ thì Chính phủ sẽ lo, việc của bộ ngành thì phải đẩy nhanh, không bàn đi bàn lại.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương thực hiện dự án, tính đến nguồn vốn của các nhà tài trợ ảnh hưởng đến tiến độ dự án; cơ chế sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của VEC để làm vốn đối ứng, vốn đầu tư cho dự án. Ngay sau đó, Bộ GTVT phải hoàn thành các thủ tục cần thiết để VEC có thể thực hiện đấu thầu các gói thầu còn lại trong thời gian ngắn nhất.

Đối với chủ đầu tư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu VEC bàn với đơn vị tư vấn kỹ thuật để rút ngắn thời gian thi công, hoàn thành cầu dây văng Bình Khánh, Phước Khánh, sớm vận hành toàn tuyến cao tốc.

Để tháo gỡ vướng mắc cho dự án, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó có nội dung điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 30/9/2025, gia hạn Hiệp định vay JICA lần 2 đến ngày 31/12/2025, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án còn 30.073 tỷ đồng (giảm 1.247 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 31.320 tỷ đồng).

Bộ GTVT cũng trình phương án điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, cơ chế tài chính đối với từng nguồn vốn. Trong đó cho phép VEC sử dụng số vốn khoảng 5.116 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC để hoàn thành dự án bao gồm 758 tỷ đồng vốn đối ứng và 4.358 tỷ đồng để hoàn thành đoạn tuyến phía Tây (1.778 tỷ đồng), phía Đông (800 tỷ đồng), đầu tư các nhà trạm thu phí (230 tỷ đồng), đầu tư hoàn thiện nút giao Quốc lộ 51 (1.100 tỷ đồng) và các hạng mục bổ sung khác…

X.Tình - T.Đồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này