Khơi thông “dòng chảy”, củng cố niềm tin

08:51 | 09/03/2023
(LĐTĐ) Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sửa đổi về trái phiếu doanh nghiệp (thay thế Nghị định 65) của Chính phủ mới ban hành như một liều thuốc khơi thông “dòng chảy” cho thị trường tài chính vốn đã bị tắc thời gian qua, đồng thời cũng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư.
Giao dịch trái phiếu doanh nghiệp giảm gần một nửa trong tháng đầu tiên Quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp Khơi thông thị trường trái phiếu

Đối với hàng trăm doanh nghiệp, hàng chục ngàn trái chủ, đây được xem là văn bản pháp lý quan trọng quyết định sự sống còn của mỗi bên.Việc gia hạn trái phiếu 2 năm cũng khiến tâm lý doanh nghiệp phát hành trái phiếu thoải mái hơn. Các doanh nghiệp có thêm thời gian để thương thảo, giải quyết việc trả lãi, quyết toán… trái phiếu với khách hàng.

Ở góc độ tích cực, các chuyên gia kinh tế có chung nhận xét, có 3 nhóm giải pháp được đưa ra để “gỡ rối”. Đầu tiên, Nghị định 08 cho phép tổ chức phát hành khi không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật, được người sở hữu trái phiếu chấp thuận (đi kèm tổ chức phát hành phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu).

Tiếp đó là cho phép các trái phiếu đã phát hành còn dư nợ được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa là 2 năm nếu được 65% trái chủ đồng thuận. Tuy nhiên, Nghị định 08 cũng đưa ra quy định nếu có trái chủ không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đủ theo đúng phương án phát hành đã công bố (và còn làm rõ là kể cả trong trường hợp đã được 65% trái chủ chấp thuận).

Cuối cùng, với việc hoãn quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và việc xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ “hãm phanh” bớt mức độ rủi ro “đóng cửa” của thị trường trái phiếu.

Với tình cảnh hiện tại, một doanh nghiệp bình luận: Nếu vận hành suôn sẻ theo đúng quy trình: Đàm phán - thoả thuận - đồng thuận, Nghị định 08 sẽ tạm thời gỡ được “nút thắt” áp lực thanh toán, tạm thời giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp “qua cơn bĩ cực”. Nhưng phân tích sâu xa, doanh nghiệp này cho rằng, thời gian kéo lùi 2 năm chỉ đủ để các doanh nghiệp có tài sản xoay xở dòng tiền, bán tài sản đang có đi chuẩn bị tiền gốc và lãi thanh toán. Việc thoả thuận thay thế trả nợ tiền bằng tài sản khác hay kéo lùi thời hạn có được hay không, lại là quyền lớn của các nhà đầu tư, trái chủ.

Theo một chuyên gia pháp lý, nội dung đáng chú ý nhất tại Nghị định 08 là gia hạn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Xét về bản chất, đây là thỏa thuận dân sự, nghĩa là giữa bên phát hành trái phiếu và bên mua (người vay - nhà đầu tư), phải trên cơ sở thỏa thuận và đồng thuận giữa các bên chứ không thể áp đặt. Thỏa thuận không đạt được, nhà đầu tư vẫn không thỏa mãn nhưng Nhà nước can thiệp vào thì tính sao? Tiếp đến là vấn đề quy đổi nợ. Đây cũng là vấn đề thuộc về thỏa thuận dân sự giữa bên vay nợ và bên chủ nợ (có thể là cầm cố nợ, gán nợ, trả nợ, xóa nợ…), từ xưa đến nay đã có. Bất cập ở đây là thỏa thuận về gia hạn nợ.

Tuy còn một số nội dung cần phải bổ sung, song việc Chính phủ ban hành kịp thời Nghị định số 08 sẽ góp phần làm thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán sôi động trở lại. Các nhà đầu tư như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để đầu tư vào thị trường này, các doanh nghiệp cũng được khơi thông nguồn vốn. Kết quả, tiền sẽ chảy vào nền kinh tế, kích thích tăng trưởng và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Diên Vĩ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này