Truy xuất nguồn gốc là vấn đề trọng tâm trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp

21:45 | 04/03/2023
(LĐTĐ) Những năm gần đây, cùng với việc phát triển thị trường, đưa sản phẩm tới gần hơn với khách hàng thì vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng được doanh nghiệp quan tâm. Việc truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp các cơ sở, doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) minh bạch thông tin sản phẩm mà còn góp phần hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Xuất khẩu nông sản: Cần đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu Số hóa truy xuất nguồn gốc góp phần định danh nông sản Việt

Để tránh việc làm giả thương hiệu, tạo sự yên tâm cho khách hàng, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Là một trong những người đi đầu trong việc sản xuất sản phẩm tinh bột nghệ khô tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, anh Phùng Đắc Kiêu luôn tâm niệm, sản phẩm của khi bán ra thị trường phải là sản phẩm chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Truy xuất nguồn gốc là vấn đề trọng tâm trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp
Với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh bột nghệ khô Bà Bé của anh Phùng Đắc Kiêu ngày càng được mở rộng.

Do đó, ngay khi biết tới chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) anh Kiêu đã đăng ký tham gia với mong muốn được hướng dẫn đảm bảo đầy đủ các giấy tờ chứng minh chất lượng sản phẩm. Anh Kiêu cũng cho biết, hiện nay, cơ sở của anh đang cung cấp sản phẩm tinh bột nghệ khô Bà Bé cho trên 50 cơ sở liên kết, ngoài hộ gia đình anh thì còn có khá nhiều các hộ gia đình cũng sản xuất sản phẩm tinh bột nghệ khô, bởi vậy việc tham gia chương trình OCOP sẽ giúp anh bảo hộ nhãn hiệu, bảo vệ cơ sở sản xuất của anh và khách hàng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Còn anh Nguyễn Thế Lâm - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) thì cho biết, ngay từ khi thành lập HTX, các sản phẩm của HTX đều được giám sát chặt chẽ từ khâu trồng, chăm sóc tới khâu đóng gói sản phẩm đưa ra thị trường. Khi tới kỳ thu hoạch, các sản phẩm nông sản sẽ được đóng gói và dán tem QR Code để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng thông qua điện thoại, máy tính bảng có kết nối internet.

“Ngay từ khi bắt đầu sản xuất, HTX đã định hướng sản xuất sản phẩm an toàn. Để chứng minh điều đó với người tiêu dùng, đầu năm 2018, HTX đăng ký dán truy xuất nguồn gốc QR Code để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong quá trình sử dụng, việc cập nhập quá trình chăm sóc vào hệ thống rất dễ dàng, không có hạn chế. Việc đăng ký dán tem QR Code cũng là hình thức quảng bá và giới thiệu tới người tiêu dùng, chứng minh được sự an toàn của sản phẩm”, anh Lâm cho hay.

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, việc đảm bảo chất lượng và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản thì vấn đề truy xuất nguồn gốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Phát biểu tại diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm” do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc là một trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Theo ông Toản, hiện nay, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp, do đó, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ nhà nước tới doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước trong vấn đề truy xuất nông sản với vai trò phục vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế sẽ nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, quyền lợi của nông dân,…Với những giá trị to lớn trên, “Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Về các giải pháp cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng, cần có các cơ chế, hành lang tạo điều kiện, làm sống ứng dụng bởi bất kỳ phần mềm nào cũng cần thời gian vận hành và xây dựng dữ liệu.

Bên cạnh đó, phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình. “Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng đề cập, trước khi chuyển đổi số, chúng ta phải chuyển đổi vật lý. Các quy trình phải đầy đủ, phải xếp vào đúng ngăn đúng chỗ và sau đó công nghệ sẽ giải quyết bài toàn sắp đặt, vận hành”, ông Toản nhận định.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này