“Tiếng thở” của doanh nghiệp

08:46 | 02/03/2023
(LĐTĐ) Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc năm 2022, cứ có 3 doanh nghiệp mới thành lập thì có tới 2 doanh nghiệp “chết yểu”. Những doanh nghiệp còn “trụ” lại được đang gặp vô vàn khó khăn cần được tháo gỡ.
Lối đi nào cho doanh nghiệp bất động sản trong 2023? Doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, cơ cấu giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản Đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho doanh nghiệp bất động sản khó khăn

Với doanh nghiệp trong nước, một số tập đoàn trong lĩnh vực bất động sản tê liệt bởi gánh nặng đáo hạn hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu, bởi đói vốn hoàn thiện dự án đang đứng trước nguy cơ phá sản. Không ít doanh nghiệp du lịch, nghỉ dưỡng cũng “lực bất tòng tâm” bởi dòng tiền mới vào nhỏ giọt trong bối cảnh chi phí tài chính vẫn tịnh tiến tăng đều.

Trong một danh sách vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố cách đây ít ngày, có 54 doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi cho các trái chủ. Đáng chú ý, tại danh sách này, có tới 34 công ty (chiếm 64%) là doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, xuất hiện không ít những cái tên là các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản.

Doanh nghiệp bất động sản phát hành hơn 47.000 tỷ đồng trái phiếu trong 8 tháng đầu năm
Ảnh minh họa.

Những doanh nghiệp lớn còn “lao đao” như vậy thì một cơ số doanh nghiệp nhỏ và vừa có lẽ còn khó khăn hơn khi không tiếp cận được vốn vay hoặc nếu có thì lãi suất cũng cao, khiến “hơi thở” của họ đang yếu dần, thậm chí nhiều lúc “ngất lịm”. Cùng lúc đó, tin không mấy vui đang ập đến với hàng ngàn lao động khi một loạt doanh nghiệp FDI mạnh tay cắt giảm nhân công, sa thải hàng loạt do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh... Khó càng thêm khó!

Hội nghị “giải cứu” bất động sản diễn mới đây gieo hy vọng cho khối doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh mổ xẻ kỹ, có thể thấy ngay cả khi hai gói tín dụng 110 ngàn tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất và gói 120 ngàn tỷ do 4 ngân hàng thương mại nhà nước đảm nhiệm ra đời và sớm có cơ chế cho vay thì cũng chỉ hỗ trợ tới phân khúc nhà ở xã hội mà những dự án nhà ở xã hội thì mấy năm gần đây vẫn “chậm rì rì” và vẫn là ước mơ xa vời của rất nhiều người lao động.

Với “cơn khát” vốn đang “giày vò” nhiều doanh nghiệp, dường như “khe cửa” để họ vượt qua khó khăn chỉ còn cách là bán đi những dự án dở dang. Nhưng ngay cả bán cũng không dễ dàng. Đáp án sẽ ra sao khi 70% dự án còn thiếu tính pháp lý...

Trong trăm cái khó của doanh nghiệp có lẽ khó nhất lúc này là câu chuyện kênh trái phiếu doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong năm 2023 có khoảng gần 300.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó số lượng trái phiếu bất động sản rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng đang treo lơ lửng đến hạn phải trả.

Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy giải ngân đầu tư công diễn ra mới đây cũng đã chỉ ra tốc độ giải ngân chậm, cơ chế vướng đang kéo doanh nghiệp đã lùi càng thêm tụt. Cũng như thông điệp từ hội nghị bàn cách “giải cứu” thị trường bất động sản, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để gỡ khó cho doanh nghiệp, gỡ khó cho nền kinh tế (bằng nỗ lực, tốc độ và tính chịu trách nhiệm cao).

Ngày hôm nay đã chính thức bước vào tháng cuối của quý 1/2023, bao khó khăn, thử thách hiện hữu khiến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người lao động rối bời. Rất nhiều chuyên gia kinh tế đã “hiến kế”, rất nhiều phương án đã được đưa ra, thế nhưng để “gỡ” được những “nút thắt” giúp cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển thì vẫn còn khá loay hoay.

Diên Vĩ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này