“Đề cương văn hóa Việt Nam”: Sức mạnh nội sinh cho Thủ đô phát triển

08:20 | 02/03/2023
(LĐTĐ) Trong 80 năm thực hiện “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” và 35 năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách trong xây dựng và phát huy sức mạnh văn hóa quốc gia trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử" Hội thảo “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”

Vừa qua, một trong những hoạt động quy mô kỷ niệm 80 năm thực hiện “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” là Hội thảo khoa học quốc gia “80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

“Đề cương văn hóa Việt Nam”: Sức mạnh nội sinh cho Thủ đô phát triển
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Văn hóa Hà Nội – Những mạch nguồn tiếp nối” kỷ niệm 80 năm ngày ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”

Bên lề Hội thảo, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, trong 80 thực hiện “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”, 35 năm đổi mới, Đảng bộ thành phố Hà Nội liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, là Thành phố đi đầu cả nước trong việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Đến nay, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là kỳ Đại hội thứ 8 sau đổi mới (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ Thành phố đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện Thủ đô. Nhận thức về vị trí của văn hóa trong xã hội được phát triển qua từng giai đoạn.

Nếu như, giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, khi cả nước chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ X nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm “... Đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất của nhân dân, xây dựng nền văn hóa mới và con người mới” cho thấy, việc xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh của sự phát triển chưa được định hình rõ nét, do chúng ta chưa ý thức hết được việc chăm lo đời sống tinh thần sẽ góp phần khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội…

Nhận thức về sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô tiếp tục được nâng lên qua Đại hội XI, XII, nhất là năm 1998, khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động số 13 nhằm thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VIII), cụ thể: “…Phấn đấu xây dựng, phát triển văn hóa Hà Nội trở thành một bộ phận tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, đưa văn hóa thẩm thấu vào mọi lĩnh vực, mọi hoạt động, mọi thành viên của cộng đồng dân cư, lấy văn hóa là mục tiêu và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” đã đem lại nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển Thủ đô.

Qua các kỳ Đại hội XIII, XIV, XV, đặc biệt là Đại hội XVI, XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định nhận thức về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội được nâng lên, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của nhiệm kỳ.

Điểm nhấn nhiệm kỳ Đại hội XVI, khi lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quy hoạch văn hóa Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thành ủy Hà Nội đã xác định quan điểm xây dựng, phát triển: “Phát triển văn hóa Thủ đô được đặt lên hàng đầu…, làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi người, mỗi đơn vị, mỗi công trình, trong quan hệ giao tiếp, tạo nên sức mạnh, sự gắn kết và độ bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội”; “vừa chăm lo bảo tồn phát huy các di sản văn hóa, vừa chú trọng sáng tạo các giá trị văn hóa mới”; “gắn liền với xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Thủ đô, vừa thanh lịch, văn minh vừa năng động, sáng tạo…, coi văn hóa là thước đo đánh giá hệ giá trị về đạo đức, nhân cách của công dân Thủ đô”; “Phát triển văn hóa là sự nghiệp lâu dài của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng..., trong đó người làm công tác văn hóa, văn nghệ sĩ… đóng vai trò quan trọng”; “gắn với xây dựng những giá trị văn hóa mới trong cộng đồng, biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho phát triển bền vững”.

Đại hội lần thứ XVII nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô”; và xác định Khâu đột phá khẳng định phải: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô”.

Nhấn mạnh thêm, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho hay, thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo tính trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá, với những nhóm nội dung trọng tâm.

Đó là, nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa; rà soát, bổ sung điều chỉnh phù hợp Quy hoạch chiến lược phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ưu tiên và tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, xây dựng và phát triển những giá trị văn hóa mới; tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị, coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại 4.0 trong phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch…

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này