Truy thu thuế bán hàng online, chủ shop “tá hỏa”

08:46 | 28/02/2023
(LĐTĐ) Chi cục thuế các địa phương đã gửi thư tới người bán hàng về việc kê khai thuế do hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử khiến nhiều người bán hàng “tá hỏa”. Một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, ngay sau khi Thông tư 40 của Bộ Tài chính có hiệu lực, cơ quan này đã chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các hành vi trốn thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thuế thu nhập cá nhân còn bất cập đến bao giờ? Đề xuất rút gọn thủ tục với người thuê, mua nhà ở xã hội

Theo quy định tại Phụ lục I Danh mục ngành nghề tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC thì người hoạt động kinh doanh, bán lẻ các loại hàng hóa phải nộp thuế giá trị gia tăng là 1%, thuế thu nhập cá nhân là 0,5% trên tổng doanh thu, từ 100 triệu đồng trở lên.

Như vậy, người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ bán hàng online trên 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nhiều người lại “hồn nhiên” nghĩ là chỉ bán trên các sàn thương mại điện tử chứ không mở mặt bằng kinh doanh nên không phải đóng thuế, đến khi cơ quan Thuế gửi thông báo truy thu thì “lo sốt vó”.

Truy thu thuế bán hàng online, chủ shop “tá hỏa”
Cơ quan thuế đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và truy thu thuế với hoạt động thương mại điện tử. Ảnh minh họa: H.Phong

“Bán hàng online cũng phải nộp thuế nha mấy anh chị. Em vừa bị phạt 11 triệu đồng vì bán hàng online mà không tự giác đi khai thuế đó”, chị S.T, một người bán hàng online, mở đầu clip cảnh báo trên TikTok, đồng thời cho biết đã bán hàng online vài năm, không mở mặt bằng kinh doanh nên nghĩ là không phải đóng thuế.

Tuy nhiên, mới đây chị S.T đã nhận được giấy mời từ cơ quan Thuế lên làm việc và yêu cầu chị phải sao kê tài khoản ngân hàng dùng để bán hàng online kể từ năm 2018 cho tới nay. Sao kê xong lên làm việc, chị S.T bị phạt 11 triệu đồng vì bán hàng online trên 10 ngày mà không khai báo thuế.

Chị S.T được cơ quan Thuế giải thích là theo quy định, doanh thu trên 100 triệu đồng phải nộp thuế với mức 1,5% trên doanh thu ở tất cả các sàn thương mại điện tử. Doanh thu dưới 100 triệu đồng không phải nộp thuế nhưng vẫn phải khai báo để mở mã số thuế.

Clip cảnh báo trên đã nhận được hàng chục ngàn lượt tương tác và hàng ngàn bình luận, trong đó nhiều người tỏ ra nghi ngờ về việc vì sao cơ quan Thuế nắm được doanh thu khi họ hoạt động trên nhiều sàn khác nhau. Có trường hợp lo lắng vì bán đã hơn 5 năm và doanh thu khá cao nên nếu bị truy thu sẽ là số tiền rất lớn.

Chị Nguyệt Thu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, sau khi cơ quan Thuế yêu cầu, chị đã nộp hơn 200 triệu đồng tiền thuế cho shop trên sàn Shopee và tiền phạt bằng 1,5 lần tiền thuế; tổng số tiền nộp hơn 500 triệu đồng. Theo chị Thu, cơ quan Thuế thông báo yêu cầu nộp (thuế), người bán hàng không thực hiện, hồ sơ sẽ bị gửi sang cơ quan Công an và khóa shop trên sàn thương mại điện tử.

Truy thu thuế bán hàng online, chủ shop “tá hỏa”
Ảnh minh họa: H.Phong

Anh Huy Lê (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau khi nghỉ việc ở một công ty chuyên về may mặc, anh mua hàng về mở shop bán trên Shopee. Theo anh Huy, do hàng có giá trị cao nên mỗi sản phẩm giá thấp nhất cũng 400.000 đồng, doanh thu của shop lớn. Anh Huy nhẩm tính, nếu bị truy thu thuế từ năm 2018 đến nay, tổng số tiền thuế anh phải nộp lên đến gần 400 triệu đồng, chưa kể tiền phạt.

Theo thông tư 40 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 1/8/2021, các cá nhân, tổ chức là chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn như họ tên; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan theo yêu cầu của cơ quan Thuế.

“Trong 4 năm buôn bán, tôi để dành được 150 triệu đồng tiền lãi, không đủ nộp thuế và nộp phạt. Trước đó, tôi nộp khoản phí 7% tổng trị giá đơn hàng cho sàn thương mại điện tử nên cứ nghĩ khoản đó đã gồm tiền thuế. Sau khi đọc thông tin, cơ quan Thuế truy thu, nếu ai không nộp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khiến tôi mất ăn mất ngủ”, anh Huy nói.

Hiện tại, nhiều người bán hàng trên sàn thương mại điện tử còn đứng trước nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” khi tự đăng đơn ảo để tăng lượt tương tác. Chị Bảo Lan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, để cạnh tranh hút khách và nhận đánh giá shop nhiều sao, chị từng tạo đơn ảo, hạ giá thấp nhất để tăng tương tác, tăng xếp hạng của shop trên sàn.

“Người bán hàng trên sàn thương mại điện tử thời gian đầu mới lập shop đều dùng cách đặt đơn ảo, hạ giá sập sàn để cạnh tranh, lấy đánh giá shop được yêu thích nên doanh thu không phản ánh đúng thực tế kinh doanh, lợi nhuận thấp.

Ví dụ, một số shop mỹ phẩm, quần áo chấp nhận bán rẻ hơn cửa hàng tới 40-50% để “hút khách”, bỏ ngắn nuôi dài, chịu lỗ để xây dựng shop mạnh lên rồi tăng giá sau. Vì vậy, khi cơ quan Thuế căn cứ trên doanh thu yêu cầu nộp thuế, người bán hàng như chúng tôi méo mặt”, chị Bảo Lan nói.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 6/2/2023, có 258 sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin trên Cổng Thông tin thương mại điện tử với thông tin chi tiết về 14.883 tổ chức và 53.212 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Cơ quan tThuế nhận định, số giao dịch và giá trị tự kê khai chưa sát thực tế và sẽ tiếp tục có biện pháp kiểm soát.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này