Chuyển Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện: Thấy gì sau gần 5 năm thí điểm?

10:13 | 23/02/2023
(LĐTĐ) Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình quản lý, từ tháng 8/2018, lực lượng thanh tra xây dựng đã được thí điểm điều chỉnh từ Sở Xây dựng về các địa phương với tên gọi Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (QLTTXDĐT) trực thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) quận, huyện, thị xã. Đến nay, khi sắp hết thời gian 5 năm thí điểm, việc kiện toàn mô hình hoạt động của lực lượng thanh tra xây dựng là rất cần thiết.
Hà Nội tiếp tục thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc Ủy ban nhân dân quận Hà Nội tiếp tục thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, huyện, thị xã

Chủ trương đúng đắn…

Từ khi được kiện toàn, thành phố Hà Nội đã 4 lần chuyển đổi mô hình Thanh tra ngành Xây dựng hay còn được gọi là Đội QLTTXDĐT. Theo đó, từ trước tháng 5/2013, lực lượng này được đặt ở quận, huyện, thị xã. Thực hiện Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng, từ tháng 5/2013, đội ngũ này được chuyển về Sở Xây dựng quản lý. Song, thực tế hoạt động trong giai đoạn này cho thấy sự phối hợp giữa thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao.

Chuyển Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện: Thấy gì sau gần 5 năm thí điểm?
Mô hình Đội QLTTXDĐT phần nào phát huy hiệu quả trong công tác quản lý đô thị.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết những mâu thuẫn về quản lý chồng chéo, những vướng mắc trong công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng với Đội Thanh tra xây dựng các quận, huyện, xã phường trên địa bàn Thành phố… từ ngày 1/9/2016, UBND thành phố Hà Nội tạm giao chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp thanh tra xây dựng. Từ lúc này, tình hình trật tự xây dựng đã có chuyển biến rõ rệt, số công trình vi phạm giảm, nhưng mô hình này vẫn còn một số hạn chế, như: Thanh tra xây dựng tại cơ sở chịu sự chỉ đạo điều hành của cả Thanh tra Sở Xây dựng và chính quyền địa phương nên có sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm...

Vì vậy, từ tháng 8/2018, thành phố Hà Nội thí điểm thành lập đội QLTTXDĐT đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Lực lượng thanh tra xây dựng đóng tại địa bàn các quận, huyện, thị xã (gồm 1.393 cán bộ, công chức, lao động hợp đồng) do Thanh tra Sở Xây dựng quản lý được điều chuyển về UBND cấp huyện. Cùng với đó, UBND Thành phố ban hành quy định QLTTXDĐT trên địa bàn, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các đội QLTTXDĐT và các đơn vị liên quan, theo hướng tăng hiệu quả phối hợp phát hiện, xử lý vi phạm.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định, đây là một chủ trương kịp thời. Bởi, với vai trò là một đơn vị trực thuộc UBND cấp quận, huyện, mô hình này đã tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND quận, huyện, thị xã về QLTTXDĐT tại địa phương. Từ đó nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác QLTTXDĐT, tạo thuận lợi cho công tác đánh giá, bổ nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức làm công tác này.

Bên cạnh đó, khi trở thành một đơn vị trực thuộc UBND cấp quận, huyện, thị xã, công tác QLTTXDĐT tại cơ sở có sự tham gia phối hợp, giám sát của các cơ quan, đơn vị chức năng, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương. Chức năng, nhiệm vụ của Đội QLTTXDĐT, trách nhiệm, cơ chế tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác QLTTXDĐT đã được quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo nguyên tắc 5 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”.

… Nhưng vẫn còn bất cập

Qua theo dõi, kiểm tra hoạt động của các Đội QLTTXDĐT trên địa bàn Hà Nội, báo cáo tại hội nghị tổng kết 5 năm mô hình Đội QLTTXDĐT, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết: Khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác QLTTXDĐT trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xức dư luận dần được hạn chế, do các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời hơn.

Lấy dẫn chứng số liệu xử lý vi phạm, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, so với cùng kỳ 4 năm trước khi thực hiện mô hình thí điểm, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn thành phố tăng 2,9% (từ 96,59% lên 99,49%). Tỷ lệ số công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 5,13% (từ 8,82% xuống 3,69%). Bên cạnh đó, số lượng công trình vi phạm giảm 4.331 trường hợp (từ 7.142 trường hợp còn 2.811 trường hợp). Tỷ lệ công trình vi phạm đã giải quyết dứt điểm giảm 8,92% (từ 91,73% còn 82,81%).

Riêng năm 2022, các Đội QLTTXDĐT đã tiến hành kiểm tra 19.211 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 320 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,67%. Lực lượng chức năng đã xử lý dứt điểm 186/320 trường hợp, chiếm tỷ lệ 58,10%; đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 134 trường hợp còn lại. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành hơn 1.200 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền phạt hơn 12 tỷ 720 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, do đây là mô hình thí điểm nên còn bất cập trong quá trình thực hiện, như khó khăn trong sắp xếp bộ máy và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương dẫn đến cơ cấu tổ chức chưa được kiện toàn; tổ chức bộ máy không ổn định. Các Đội không được hưởng phụ cấp ngành, không có trang phục ngành, ngoài ra mức xử phạt theo thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp chưa cao dẫn đến tình trạng nhờn luật…

Tại Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã cho phép thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Đội QLTTXDĐT trực thuộc UBND quận huyện, thị, xã trong thời gian 5 năm, kể từ ngày 10/8/2018 đến ngày 10/8/2023, đồng thời giao UBND thành phố Hà Nội tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5/2023. Căn cứ vào các quyết định trên, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả, làm rõ mô hình, chức năng nhiệm vụ để báo cáo UBND thành phố Hà Nội, đề xuất Thủ tướng Chính phủ mô hình QLTTXDĐT tiếp theo sau ngày 10/8/2023.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này