Sức sống mới ở làng nghề comple Vân Từ

09:57 | 21/02/2023
(LĐTĐ) Được biết đến với lịch sử hàng trăm năm, làng nghề may comple Vân Từ (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) đến nay ngày càng phát triển. Nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất, thời gian sản xuất được rút gọn, sản phẩm comple, veston của làng nghề ngày càng được biết tới nhiều hơn.
Độc đáo “làng bách nghệ” Chàng Sơn Làng nghề chủ động phòng ngừa “bà hỏa” Lắng nghe để gỡ vướng pháp lý cho doanh nghiệp

Kỳ công nghề may comple, veston

Xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) hiện có 10 thôn, trong đó có 2 thôn chủ lực làm nghề may comple, veston đó là thôn Từ Thuận và thôn Chung, những thôn khác trong xã cũng có nghề nhưng thường là làm thuê cho các cửa hàng lớn.

Theo các bậc cao niên trong xã, những năm đầu của thế kỷ XX, đời sống nhân dân khó khăn. Để có việc làm tốt hơn và phù hợp với xu thế xã hội, một tốp thanh niên làng Từ Thuận đã rủ nhau lên nội thành Hà Nội học nghề may comple, veston. Thời điểm đó comple, veston chủ yếu để phục vụ cho tầng lớp thượng lưu và người Pháp nên giá cả khá cao.

Sức sống mới ở làng nghề comple Vân Từ
Nghề may comple, veston tại xã Vân Từ ngày càng phát triển, mang lại thu nhập khá cho người dân làm nghề. Ảnh: Lương Hằng

Nhờ sự chăm chỉ và khéo léo của tốp thanh niên đó, họ đã thành thạo nghề và mang nghề về mảnh đất Từ Thuận rồi truyền nghề cho mọi người trong làng. Lúc đó Từ Thuận vẫn là một làng thuần nông nên nghề may comple, veston cũng rất khó phổ biến. Sau này, do chiến tranh mà làng nghề tưởng chừng như mất hẳn, chỉ còn dăm ba hộ làm thủ công tại nhà với máy móc khá thô sơ, chất lượng sản phẩm cũng không được chú trọng.

Với mong muốn giữ nghề truyền thống, khoảng năm 1992, các cụ cao niên trong xã còn giữ được nghề đã đề xuất với chính quyền xã Vân Từ cho mở hai lớp dạy nghề may comple, veston và đã thu hút được trên dưới 70 học viên trong toàn xã. Cũng từ đó nhiều người trẻ đã bén duyên với nghề. Càng về sau, số lượng các nhà làm nghề càng ngày càng nhiều và nhanh chóng lan rộng ra cả xã Vân Từ.

Cũng như các ngành, nghề khác, việc làm nên thương hiệu cũng như giữ được thương hiệu là một điều trăn trở với những người làm nghề nơi đây. Theo các chủ xưởng may tại xã Vân Từ, nghề may comple, veston Vân Từ có những đặc điểm riêng để tồn tại và phát triển, đó là vải có tới 4 lớp gồm vải, mùng, lót, bong làm cho sản phẩm dầy hơn, bền hơn không bị nhàu và phai màu.

Những năm gần đây, việc áp dụng máy móc vào sản xuất đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công đoạn sản xuất vẫn gồm các công đoạn như: Cắt hàng, ép hàng, làm thân, làm cổ, tra tay, thùa khuy, đính cúc, là áo và đóng gói. Tuy nhiên, các công đoạn trên đều được rút gọn khi có máy móc hiện đại. Bên cạnh đó, khi có máy móc, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao vì khi làm bằng tay, một số công đoạn như ép hàng khó có thể đạt được hiệu quả như máy.

Cũng chính từ sự khác biệt trong sản xuất comple, veston của làng nghề nên nhiều nhãn hàng thời trang lớn đã tìm tới và ký hợp đồng với các xưởng sản xuất tại đây. Không chỉ vậy, được sự tạo điều kiện của địa phương, sản phẩm của làng nghề còn được quảng bá rộng rãi tại các hội chợ, các kênh thông tin truyền thông, do đó làng nghề đã có lượng khách hàng ổn định và không ngừng phát triển.

Nhiều tiềm năng phát triển

Đến Vân Từ thời điểm hiện tại, không khó để bắt gặp những người trẻ tham gia làm nghề truyền thống. Phát huy thế mạnh, họ đã mở rộng được nhiều mối hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề. Cũng chính bởi vậy, hiện nay, tại xã Vân Từ đã hình thành một khu dịch vụ tập trung rất nhiều các nhà may comple, veston để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tiếp nối nghề truyền thống của gia đình đã được 7 năm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) đã có cho mình lượng đơn hàng khá ổn định. Mặt hàng sản xuất chủ yếu của xưởng là áo vest và quần âu. Theo chị Ngọc, so với trước đây, làng nghề phát triển hơn rất nhiều. Nếu như thời bố mẹ chị làm, chủ yếu bán vào khoảng tháng 8 và thời điểm cuối năm thì nay làng nghề sản xuất quanh năm. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, xưởng sản xuất nhà chị Ngọc hiện đang có khoảng 15 công nhân làm việc tại xưởng, ngoài ra, có một số lao động nhận hàng về nhà làm.

Chia sẻ về doanh thu từ làm nghề, chị Ngọc cho hay: “Doanh thu của xưởng may không cố định vì không có đơn hàng thường xuyên. Tuy nhiên, nếu tính trung bình, dao động từ 20 tới 30 triệu đồng/tháng. Với những công nhân có tay nghề, thu nhập cũng vào khoảng trên 10 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập ổn định với khu vực nông thôn. Mọi người có thể làm việc gần nhà, không mất thời gian, công sức di chuyển, vẫn có mức thu nhập khá”. Cũng theo chị Ngọc, hiện tại, hệ thống giao thông thuận tiện nên hàng gửi đi trong nước rất dễ dàng, thuận tiện.

Là một người tâm huyết với nghề may may comple, veston anh Trần Huy Tiến - Phụ trách nguyên liệu đầu vào, kỹ thuật đo Công ty Phong Cách Tân cho rằng, nghề may comple, veston tại làng nghề có rất nhiều tiềm năng phát triển. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu chính là làng nghề có nguồn thợ tay nghề cao, tâm huyết với nghề.

Theo anh Tiến, để làng nghề được nhiều khách hàng biết tới thì công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng. Cũng chính bởi vậy, trong những chuyến công tác đi tỉnh, khi gặp khách hàng anh Tiến đều giới thiệu cặn kẽ cho họ hiểu hơn về những sản phẩm cũng như các công đoạn, điểm khác biệt khi sản xuất ra mặt hàng comple, veston truyền thống.

Bên cạnh đó, hiện nay thị trường thương mại điện tử và mạng xã hội là mảnh đất “màu mỡ” cho việc bán hàng. Do đó, các xưởng sản xuất cũng có thể phát triển các kênh này để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, để duy trì sự phát triển bền vững của làng nghề thì yếu tố chất lượng cũng phải đặt lên hàng đầu.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này