Tăng tốc dự án vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh

09:56 | 21/02/2023
(LĐTĐ) Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là dự án trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông không những cho TP.HCM mà còn cả khu vực phía Nam. Hiện nay các địa phương nơi dự án đi qua, đặc biệt là TP.HCM đang “chạy đua”, tăng tốc để đảm bảo tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
TP.HCM: Đề xuất làm đường liên cảng "chia lửa" cho cảng Cát Lái Khởi công xây dựng đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh vào 30/6/2023

Tuyến vành đai lớn nhất phía Nam

Cho đến hiện tại, vành đai 3 TP.HCM là dự án giao thông đường bộ lớn nhất từ trước đến nay ở các tỉnh phía Nam với tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỉ đồng (giai đoạn 1).

Đường vành đai 3 chiều dài 76km, đi qua địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, riêng đoạn đi qua địa bàn TP.HCM dài hơn 47km. Đây được xem là cung đường chiến lược, kết nối và lan tỏa, tạo tiền đề tháo gỡ các điểm nghẽn kết cấu hạ tầng khu vực nhờ tính chất kết nối liên vùng.

Tăng tốc dự án vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh
Bình đồ hướng tuyến vành đai 3 TP.HCM.

Khi có đường vành đai 3, xe liên tỉnh không còn phải qua TP.HCM, toàn bộ hàng hóa từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đưa về các cảng biển và ngược lại được lưu thông nhanh chóng, tiết giảm thời gian và chi phí vận chuyển.

Đây cũng là điểm đầu của 5 tuyến cao tốc gồm TP.HCM - Trung Lương (đã đưa vào khai thác), TP.HCM - Mộc Bài (đang xúc tiến đầu tư), TP.HCM - Chơn Thành (đang xúc tiến đầu tư), TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đã đưa vào khai thác) và Bến Lức - Long Thành (đang xây dựng), kết nối với các tuyến quốc lộ hướng tâm, sân bay Long Thành (đang xây dựng), tạo năng lực thông hành lớn, tốc độ cao qua đó đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Các xe hướng Tây Bắc - Đông Nam và ngược lại có thể đi qua cao tốc Bến Lức - Long Thành để lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương về miền Tây. Tương tự, các xe từ Quốc lộ 13 và Quốc lộ 22 có thể tiếp cận khu vực cảng phía Đồng Nai, TP.HCM qua đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn. Vành đai 3 cũng tạo ra một hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải.

Ngoài ra, việc khai thác các quỹ đất dọc tuyến sau khi dự án vành đai 3 được đưa vào vận hành còn tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển. Không gian đường vành đai 3 sẽ tạo hành lang công nghiệp kết nối các kho bãi về cụm cảng biển, giúp giảm thời gian đi lại, tăng số vòng vận tải, giảm chi phí logistics và tạo lợi thế cạnh tranh.

Tập trung giải phóng mặt bằng

Một bài toán nan giải đối với nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn là tìm kiếm nguồn vốn. Tại dự án vành đai 3, TP.HCM và các tỉnh nơi dự án đi qua đã có nghị quyết cam kết với Chính phủ đảm bảo bố trí nguồn lực triển khai dự án, cùng với vốn ngân sách hỗ trợ của Trung ương. Vì thế khó khăn nhất hiện nay vẫn là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Vừa qua trong chuyến công tác kiểm tra tiến độ dự án vành đai 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu địa phương nơi dự án đi qua cần phối hợp tốt công tác chuẩn bị, nhất là khâu thiết kế nhằm tránh điều chỉnh về sau. Các địa phương cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để khởi công dự án vào tháng 6/2023, thông xe kỹ thuật toàn tuyến tháng 6/2025 và hoàn thành vào năm 2026.

Tại TP.HCM, vào cuối năm 2022 riêng địa bàn thành phố Thủ Đức đã bàn giao 34ha mặt bằng để thực hiện dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1); dự kiến dự án thành phần này sẽ hoàn thành vào tháng 9/2025.

Trong tháng 1/2023 dự án thành phần 1 và 2 thuộc đường vành đai 3 đã tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho địa phương phục vụ công tác liên quan đến bồi thường, thu hồi đất. Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM đã phê duyệt các dự án thành phần, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Dự kiến trong tháng 4/2023 sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật để tháng 6/2023 khởi công dự án.

Theo kế hoạch, giữa năm 2023, dự án vành đai 3 TP.HCM được bàn giao 70% mặt bằng, số còn lại sẽ được các quận, huyện thực hiện vào cuối năm. Để dự án khởi công theo tiến độ đề ra, UBND TP.HCM yêu cầu các quận, huyện có dự án đi qua cần phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án vào cuối quý 3/2023.

Các cơ quan, đơn vị liên quan không đùn đẩy công việc, có hình thức khen thưởng, đề bạt bổ nhiệm đối với cán bộ có sáng kiến tiêu biểu mang lại hiệu quả cho dự án vành đai 3, đồng thời phê bình, xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra việc chậm phối hợp. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cho dự án, UBND TP.HCM đề nghị các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) tại các mỏ các địa phương.

Hiện nay các địa phương nơi dự án đi qua cũng đang quyết liệt đẩy tiến độ dự án. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiến hành song song các bước để đẩy nhanh tiến độ dự án; quy hoạch mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) dọc tuyến; đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch và đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Tương tự tại Đồng Nai, các đơn vị liên quan cũng đang thực hiện các phần việc đo đạc đất đai, kiểm kê tài sản bị ảnh hưởng, đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ thủ tục, trình phê duyệt để triển khai các khu tái định cư, phấn đấu cuối tháng 6/2023 sẽ khởi công.

Trong khi đó, UBND tỉnh Long An yêu cầu UBND huyện Bến Lức khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để chi trả tiền bồi thường cho người dân, chậm nhất đến hết tháng 6/2023 phải bàn giao 70% diện tích mặt bằng và đến hết năm 2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. UBND tỉnh Long An cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, chậm nhất đến hết tháng 6/2023 phải triển khai thi công dự án.

T.Đồng - X.Tình

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này