Ngành BHXH: Chuyển đổi số các hoạt động nghiệp vụ, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử

07:36 | 19/02/2023
(LĐTĐ) Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vinh dự được nhận Giải thưởng Thực tiễn hiệu quả của Hiệp hội ASSA Hà Nội: Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 28 năm nỗ lực vì sự nghiệp an sinh xã hội

Thông tin về hoạt động chuyển đổi số của ngành, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Thời gian qua, cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành đã nỗ lực đã cắt giảm từ 263 thủ tục hành chính (năm 2009) xuống còn 25 thủ tục hành chính, với 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; số giờ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn trên 100 giờ.

Ngành BHXH: Chuyển đổi số các hoạt động nghiệp vụ, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử
100% thủ tục hành chính của ngành đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và phối hợp tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, giúp người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi.

Toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành.

Theo đó, gần như tất cả các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số; người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc mọi nơi; thực hiện chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM của hệ thống ngân hàng.

Cùng với đó, ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, hiện đã có trên 28 triệu tài khoản sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các dịch vụ công về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân gắn chíp để đi khám chữa bệnh... Tại Hội nghị ASSA lần thứ 38, BHXH Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục công nghệ thông tin cho ứng dụng trên điện thoại thông minh “VssID-BHXH số”.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, công tác chuyển đổi số của ngành đã có những bước tiến vững chắc, mang lại những thay đổi đột phá, góp phần kiến tạo và xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam số theo đúng định hướng về Chính phủ số của Đảng, Nhà nước ta.

Hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành liên tục được làm giàu, cập nhật với thông tin của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh; có khoảng 620 nghìn đơn vị đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống giao dịch điện tử và Hệ thống Thông tin giám định BHYT tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến/năm; thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành địa phương… Đây là những tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên môi trường số; là nền tảng trong việc chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ Big Data, AI nhằm mục tiêu trở thành tổ chức an sinh xã hội hiện đại của ngành.

Thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Hệ thống đã xác thực trên 74,1 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, ngành đã cung cấp, chia sẻ gần 72,3 triệu lượt thông tin cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay đã có trên 12,2 nghìn cơ sở khám chữa bệnh tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp (chiếm 95,4% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT), với hơn 10,5 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT bằng căn cước công dân gắn chip thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT.

Việc tích hợp, triển khai các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được triển khai tích cực, theo đó, toàn ngành BHXH đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, xác nhận quá trình đóng BHTN cho 58,3 nghìn trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 134,8 nghìn lượt giao dịch gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, đóng tiếp BHXH tự nguyện thành công; tiếp nhận và giải quyết 10.607 hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết hưởng trợ cấp mai táng thông quan 2 dịch vụ công liên thông.

Ngành BHXH: Chuyển đổi số các hoạt động nghiệp vụ, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử
BHXH Việt Nam đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT.

BHXH Việt Nam cũng đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa”.

Có thể thấy, các hoạt động của ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan BHXH được thực hiện trên môi trường số đã giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH; giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin, cũng như hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng, phòng chống gian lận, trục lợi các quỹ BHXH, BHYT, BHTN;...

Với nguồn Cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên và hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam với các Bộ, ngành giúp chuẩn hóa dữ liệu, vừa phục vụ công tác quản lý vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông thủ tục hành chính, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền - lợi ích của người dân, đơn vị và doanh nghiệp.

“Đây cũng là minh chứng cho thấy công tác chuyển đổi số của ngành đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực, góp phần phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này