Để không còn cảnh khan, hiếm xăng, dầu

14:26 | 16/02/2023
(LĐTĐ) Người dân cả nước nói chung, Hà Nội đã qua một phen “khát” xăng, dầu! Nhìn cảnh dòng người xếp hàng mua xăng thâu đêm không ai tin đó lại là sự thật. Và nay, một số doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng, dầu đang kêu lỗ vì chiết khấu thấp, khiến người dân thêm nỗi lo “khát” xăng một lần nữa.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng, dầu Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo không tích trữ xăng, dầu trong các hộ gia đình

Để chấn chỉnh tình trạng, đưa thị trường xăng, dầu vào thế ổn định, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp các bộ, ngành xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng, dầu. Tuy nhiên, đến nay 2 bộ: Công Thương và Tài chính lại liên tục có những đề nghị, quan điểm khác nhau về điều hành mặt hàng này.

Điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới - Ảnh 1.
Ảnh minh họa.

Tại Dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng, dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng, dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương lý giải, chọn phương án này là nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính. Còn Bộ Tài chính, trước đó lại đề nghị chuyển đầu mối điều hành xăng, dầu về Bộ Công Thương.

Cụ thể, nêu quan điểm sửa đổi quy định liên quan đến ý kiến đề nghị giao một đầu mối quản lý đối với mặt hàng xăng, dầu, Bộ Công Thương đưa ra ba phương án gồm: Giữ nguyên như quy định hiện hành, giao hoàn toàn về Bộ Tài chính quản lý hoặc giao hoàn toàn về Bộ Công Thương quản lý. Trong đó, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2 là giao Bộ Tài chính đảm trách toàn bộ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính nên thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn, công bố giá điều hành. Song nhược điểm, theo Bộ Công Thương, là việc điều hành giá tách xa việc điều hành cung cầu nên sẽ có những bất ổn, không có sự độc lập, khách quan trong tính toán chi phí kinh doanh xăng, dầu. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ này vẫn giữ quan điểm nên giao đầu mối quản lý thống nhất về Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành, xác định giá, định mức chi phí còn Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo quy định.

Theo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước và chủ trì điều hành giá mặt hàng này; là cơ quan quản lý, cấp phép các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối; hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung xăng, dầu… Do đó, Bộ Công Thương nắm được chi tiết tình hình sản xuất kinh doanh, hoạt động của các đơn vị; tình hình cung - cầu, diễn biến giá xăng, dầu nguyên liệu và thành phẩm… Vì lẽ đó, Bộ Công Thương được giao thống nhất quản lý, điều hành sẽ tăng tính chủ động và phù hợp thực tế.

Trước sự “nhường sân” quản lý việc kinh doanh mặt hàng xăng, dầu của hai bộ: Công Thương và Tài chính, một số chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là cần đổi mới cơ chế quản lý xăng, dầu chứ bộ nào quản lý không phải là yếu tố quyết định. Thị trường cung xăng, dầu đang khá bấp bênh, trong khi doanh nghiệp, đại lý đang “kêu” chiết khấu thấp, dẫn đến “ngại” kinh doanh vì không có lãi dẫn đến khan hàng thì các bộ quản lý Nhà nước lại chưa “gỡ” nút nắt này.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này