Cần góc nhìn đa chiều về giá điện

09:22 | 10/02/2023
(LĐTĐ) Vậy là sau gần 4 năm “nằm im”, giá điện lại đang đặt trong trạng thái “chờ tăng” để các doanh nghiệp và người dân chủ động cân đối kế hoạch sản xuất, kinh doanh và điều tiết việc sử dụng điện.
Việc điều chỉnh giá điện năm 2023 sẽ được tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giá điện cần cân bằng, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng

Chính phủ vừa có Quyết định 02/2023/QĐ-TTg điều chỉnh khung giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm từ 220 - 537 đồng/kWh. Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 3/2, thay thế cho Quyết định 34/2017 của Thủ tướng cho giai đoạn 2016 - 2020 (với mức tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh và tối đa là 1.906,42 đồng/kWh).

Theo quy định, khung giá bán lẻ điện bình quân là mức trần và mức sàn được Chính phủ quy định cho một giai đoạn nhất định. Do đó, việc ban hành khung giá không đồng nghĩa với việc tăng ngay giá bán lẻ điện.

Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân đang là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT). Đây là mức giá vốn được áp dụng kể từ lần điều chỉnh cách đây gần 4 năm (tháng 3/2019).

Cần góc nhìn đa chiều về giá điện
Ảnh minh họa.

Thực tế giá điện sẽ tăng trong năm 2023 không còn bất ngờ khi cuối năm 2022 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố thông tin lỗ hơn 28.876 tỉ đồng. Đồng thời cũng dự báo, năm 2023 con số này sẽ tăng thêm 64.941 tỉ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành. Và tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỉ đồng.

Một con số đủ làm “choáng” đối với bất kỳ ai khi EVN được coi là đơn vị kinh doanh “độc quyền” với loại năng lượng đặc biệt này.

Cũng như xăng dầu, điện là nguyên liệu quan trọng đối với sản xuất, với từng doanh nghiệp, có vai trò quan trọng trong cấu thành giá sản phẩm; điện cũng là năng lượng thiết yếu đối với người dân. Giá điện tăng tất yếu ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, đến lợi nhuận của doanh nghiệp, và cũng đương nhiên tác động đến chi tiêu của người dân. Theo lẽ đó, việc tăng giá điện dường như chẳng ai mong muốn, trừ đơn vị sản xuất, kinh doanh điện. Việc không đồng tình cũng là tất yếu.

Phần mình, EVN lý giải nguyên nhân lỗ năm 2022 là giá than tăng gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022, chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu lên tới 3.500-4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân là 1.864 đồng/kWh. Tức là bán điện dưới giá thành, lỗ nhưng vẫn phải kinh doanh.

Công bằng mà nói, EVN cũng là doanh nghiệp, cũng có quyền bình đẳng trong các điều kiện kinh doanh như bất cứ doanh nghiệp nào khác, cũng có quyền được bảo toàn vốn và có lãi. Chưa kể, điện là loại năng lượng đặc biệt, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh điện sẽ nằm trong tổng thể chính sách an ninh năng lượng.

Giá điện hiện do Nhà nước định giá thông qua khung giá cố định. Vậy thì, nếu các cơ sở để tăng giá điện là phù hợp thì cũng đừng vội nghĩ là sự ưu ái nào đó để “cứu” EVN. Giá điện tăng, ở góc độ thị trường khi mà giá cả các mặt hàng đều tăng, thì cũng là sự tất yếu. Để ứng phó với tăng chi phí điện năng, buộc doanh nghiệp phải đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất; người dân phải tăng các biện pháp tiết kiệm điện.

Năng lượng điện hiện nay, ngoài phục vụ sản xuất, sinh hoạt… thì cũng đang được sử dụng nhiều vào các hoạt động phi sản xuất, chẳng hạn như xe điện. Do đó, cũng đã đến lúc cần có sự tính toán, cân đối để có cơ chế điều tiết giá điện phù hợp với từng đối tượng sử dụng, điều này vừa bảo đảm sự công bằng với người sử dụng, đặc biệt với nhóm người có thu nhập thấp, mặt khác cũng để không lãng phí nguồn điện và bảo đảm tốt nhất an ninh năng lượng quốc gia…

Hùng Sơn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này