Mở cửa giao thương sẽ hàn gắn đứt gãy chuỗi cung ứng

12:09 | 03/02/2023
(LĐTĐ) Việc Trung Quốc mở cửa góp phần tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu đầu vào, nhất là hàn gắn đứt gãy của chuỗi cung ứng trong mấy năm qua. Như vậy, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi hơn.
Vietnam Airlines mở lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc Nhiều ngành hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại từ 8/1 Nhiều kỳ vọng, cơ hội mới cho ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa

Nhóm các ngành du lịch, nông nghiệp (thuỷ sản, trái cây) vốn là thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi sớm từ hoạt động kết nối giao thương. Ở chiều ngược lại, nhiều ngành nghề của Việt Nam đang phải nhập khẩu các nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc nên việc Trung Quốc mở cửa góp phần tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu đầu vào, nhất là hàn gắn đứt gãy của chuỗi cung ứng trong mấy năm qua.

Tại Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, động thái mở cửa thị trường của Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đồng thời với hoạt động mở cửa của thị trường lớn trên thế giới, nguy cơ lạm phát dự báo xuất hiện từ nhu cầu sử dụng dầu và nguyên liệu tăng.

Mở cửa giao thương sẽ hàn gắn đứt gãy chuỗi cung ứng
Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. (Ảnh minh họa: BT)

Với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đặc biệt là nông sản. Và Việt Nam là nước nhập khẩu lớn nhất nguyên vật liệu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu. Cùng với đó, trong bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu, suy thoái kinh tế đang khiến các nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam tại thị trường Mỹ, EU giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, mức độ tác động của chính sách mở cửa còn phụ thuộc vào tình hình chung của kinh tế toàn cầu.

Ngay cả các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là rau củ quả, dự báo sẽ gia tăng xuất khẩu trong năm 2023 nhưng không dễ dàng xuất khẩu như trước đây. Cách đây mấy năm, Trung Quốc đã siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, đánh giá: Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như trước đây. Các tiêu chí về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thức, mẫu mã sản phẩm cũng như hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được thực hiện theo quy chuẩn. Sự thay đổi này buộc nhà sản xuất, doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng thì mới xuất khẩu được.

Trong 3 năm qua, nhiều vùng sản xuất trong nước đã chuyển đổi sản xuất kinh doanh. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch ngày càng nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần phải vừa hợp tác phát triển vừa nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc hướng đến sản xuất bền vững và kết nối doanh nghiệp hình thành những tập đoàn lớn.

Việc Trung Quốc mở cửa được các chuyên gia kinh tế dự báo góp phần làm GDP toàn cầu tăng thêm 0,1 điểm %. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, động thái mở cửa của Trung Quốc được dự báo tác động đến hoạt động kinh tế, thương mại của nước ta.

Các chuyên gia kinh tế cũng kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại, xoá bỏ những rào cản từng được thắt chặt trong phòng chống dịch Covid-19 là “cơn gió xuôi” của nền kinh tế trong năm 2023.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này