Xây dựng văn hóa giao thông vì Thủ đô văn minh, hiện đại

Bài 2: Chuyện không của riêng ai!

18:12 | 30/01/2023
(LĐTĐ) Một sự thật hiển nhiên là, khi văn hóa giao thông được nâng cao thì những hành vi sai trái sẽ ngày càng thu hẹp, những tác động xấu do quá trình thiếu văn hóa giao thông sẽ giảm dần. Hơn hết, trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn. Về lâu dài, việc xây dựng văn hóa giao thông sẽ tạo nên cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, một môi trường giao thông an toàn, thân thiện, cho con người, vì con người.
Bài 1: Bức tranh giao thông đa sắc màu Bài cuối: Kỳ vọng vào những khởi sắc trong hạ tầng giao thông

Làm sao ngăn chặn thói xấu?

Hiện nay, một trong những vấn nạn xã hội lớn là vấn đề an toàn giao thông. Hàng ngày, đa phần mọi người đều tham gia giao thông, thậm chí dành nhiều thời gian cho việc giao thông. Đáng buồn là không ít số vụ tai nạn giao thông xảy ra do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn còn nhiều hạn chế.

Trên đường phố Thủ đô vẫn ghi nhận nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông chở hàng cồng kềnh, lạng lách gây nguy hiểm cho các phương tiện khác, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Với một bộ phận người đi bộ - đối tượng được cho là yếu thế khi tham gia giao thông thì việc tuân thủ các quy định cũng chưa thực sự tốt.

Bài 2: Chuyện không của riêng ai!
Nhiều phụ huynh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thiếu sự gương mẫu. Ảnh: Đinh Luyện

Không khó để gặp hình ảnh ngay bên cạnh những cây cầu vượt, hầm chui, người đi bộ “ngó lơ” không sử dụng mà trèo qua dải phân cách cứng; người đi bộ sang đường tùy tiện, không đúng vạch giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Thứ nữa, việc dừng đỗ xe tràn lan khắp nơi, không nhường đường và thậm chí "cướp" đường ưu tiên của người đi bộ cũng là những hành vi thiếu văn hóa, khiến giao thông tại Hà Nội chưa được cải thiện.

Bàn về một trong những căn nguyên khiến việc thiếu ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, khi hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường, đặc biệt là nền kinh tế mang theo khát vọng phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19 thì tinh thần, tốc độ giao thông sẽ gia tăng.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu các nguy cơ gây tai nạn giao thông, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các cơ quan liên quan đã đề ra những giải pháp hết sức quyết liệt để thực hiện nghiêm quy định. Trong đó, một số nhóm đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như phương tiện kinh doanh vận tải, hành khách… được đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ; tiếp tục xử nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, ma túy để giữ vững và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng cũng chia sẻ thêm, với các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa là vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm trở lại đây. Để giải quyết, về phía Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đơn vị đã trực tiếp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành; phân tích và đánh giá các vụ việc vi phạm liên quan.

Bài 2: Chuyện không của riêng ai!
Người tham gia giao thông cắt ngang dòng phương tiện, đi ngược chiều, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho bản thân và những người xung quanh. Ảnh: Đinh Luyện

Theo đánh giá từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ở các vụ tai nạn giao thông, nguyên nhân trực tiếp vẫn là do lái xe vi phạm các quy tắc giao thông an toàn, không tuân thủ các quy định. Tuy nhiên, nếu tiếp cận như vậy thì sẽ không có đột phá, vì đằng sau hành vi là các điều kiện dẫn tới hành vi. Bởi vậy, muốn thay đổi hành vi thì phải thay đổi các nền tảng ảnh hưởng tới nhận thức và hành vi về quy định, quản lý, kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, phương tiện người lái... và các yếu tố về quy hoạch. Nói cách khác, để tuyên truyền, giáo dục văn hoá giao thông, góp phần giảm tai nạn giao thông thì cần tạo ra môi trường với những hành vi tham gia giao thông tốt, trách các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Nâng cao văn hóa từ việc đẩy mạnh tuyên truyền

Có thể khẳng định, văn hóa giao thông, bộ mặt giao thông thể hiện sự văn minh của một xã hội. Khi ra đường, mọi người có văn hóa nhường nhịn nhau là biểu hiện của một xã hội phát triển. Ý thức đó thấm đẫm từ nếp nhà đến nếp trường và đến xã hội, cơ quan… mới tạo được văn hóa. Nói dễ hiểu hơn, văn hóa ở đây không chỉ đơn giản là những thói quen nhường nhịn nhau, giúp đỡ nhau mà còn đi lại có trật tự, tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy chế, nội quy.

Nêu quan điểm về xây dựng văn hóa giao thông qua việc nâng cao hiệu quả giáo dục, thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông, tại tọa đàm trực tuyến “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn ở đô thị”, PGS. TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, không thể kì vọng con người sẽ có ý thức tham gia giao thông, khi mà chúng ta chờ đợi sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng, quy hoạch, hay từ phương tiện giao thông. Nói cách khác, ý thức tham gia giao thông cần phải hình thành trước. Bởi vậy, việc tuyên truyền, giáo dục là bước quan trọng, cần làm từ sớm và thường xuyên, liên tục. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền ngay từ trong môi trường giáo dục.

Đồng quan điểm này, ông Ngô Minh Hoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ, cũng như ở các lĩnh vực khác, việc hình thành văn hóa giao thông cần sự tuyên truyền, vận động kiên trì, thường xuyên, lâu dài theo các tiêu chí nhất định, theo từng đối tượng và loại hình giao thông.

Chẳng hạn, để nhân rộng những “hạt nhân” có ý thức tuân thủ và chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông, năm nào Công đoàn ngành cũng tổ chức Hội thi “tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe mô tô giỏi, an toàn”. Đây là hoạt động ý nghĩa, là sân chơi bổ ích, lành mạnh và thực tế giúp đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông. Đặc biệt, mỗi thí sinh tham gia hội thi đều sẽ là một tuyên truyền viên tích cực về an toàn giao thông và xây dựng thói quen trong việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ; biết xử lý các tình huống nếu xảy ra va chạm giao thông; lan tỏa kỹ năng, văn hóa giao thông.

Bài 2: Chuyện không của riêng ai!
Dù có cầu vượt dành riêng nhưng người đi bộ thản nhiên băng qua dòng phương tiện đông đúc. Ảnh: Đinh Luyện

Đại diện Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cũng kỳ vọng mỗi công nhân, viên chức, lao động ngành Giao thông Vận tải sẽ là những hạt nhân đi đầu, luôn nghiêm túc và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đồng thời là tuyên truyền viên tuyên truyền đến những người thân trong gia đình và xã hội về ý thức chấp hành pháp luật giao thông, góp phần xây dựng văn hoá giao thông như: Không uống rượu bia khi lái xe, không vi phạm quy tắc giao thông, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, ứng xử văn hoá, thân thiện với người đồng hành, giúp đỡ mọi người khi bị tai nạn...

Ứng xử văn hóa trong giao thông sẽ góp phần tạo thêm hình ảnh đẹp cho đường phố, xây dựng đô thị văn minh, trật tự, an toàn cùng nền nếp và lối sống văn hóa của cộng đồng dân cư. Bởi vậy, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng luôn cần được chú trọng và làm thường xuyên, liên tục. Mỗi người hãy tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông từ ngay trong những hành động nhỏ, để chúng ta có một xã hội an toàn.

(Còn nữa…)

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này