Nét đẹp truyền thống lễ hội làng Vạn Phúc

20:43 | 26/01/2023
(LĐTĐ) Lễ hội truyền thống làng Vạn Phúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) diễn ra từ ngày mùng 5 đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Trong tiết Xuân tưng bừng, người dân xã Vạn Phúc lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống.
Đảm bảo y tế phục vụ các sự kiện tiêu biểu trên địa bàn Thành phố Tưng bừng khai hội gò Đống Đa Xuân Quý Mão 2023 Những hình ảnh Lễ khai hội gò Đống Đa Xuân Quý Mão 2023

Theo truyền thuyết, làng Vạn Phúc có hai ngôi đình thờ vị phúc thần của làng là Uy Mang và Hồng Bác, con Vua Hùng thứ 17 - Hùng Nghị Vương. Giống như bao làng quê Bắc bộ khác, lễ hội truyền thống làng Vạn Phúc là dịp để những người con sinh ra tại đây bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân những vị thần đã có công gây dựng quê hương, làng mạc.

Nét đẹp truyền thống lễ hội làng Vạn Phúc
Lễ hội làng Vạn Phúc diễn ra từ ngày 5-6/1 âm lịch hàng năm. Lễ rước kiệu ra bờ sông lấy nước. Nước được lấy từ giữa sông Hồng nơi giáp danh giữa xã Duyên Hà, xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) và xã Văn Đức (huyện Gia Lâm).

Lễ hội còn là dịp để giáo dục con cháu về nét đẹp truyền thống quê hương, là dịp để mỗi người dân thêm gắn kết tình làng nghĩa xóm. Lễ hội truyền thống đình làng Vạn Phúc gồm hai phần: Phần lễ và phần hội.

Là một lễ hội truyền thống nên phần lễ của lễ hội đình làng Vạn Phúc luôn được tổ chức một cách tôn nghiêm theo đúng những nghi thức của ông cha ta truyền lại để tưởng nhớ hai vị thần. Chính hội vào ngày mùng 5 tháng Giêng, sẽ diễn ra lễ hội rước kiệu ra bờ sông xin nước.

Phần hội là phần mang tính chất giải trí bao gồm nhiều trò chơi dân gian như đập niêu, phi tiêu, nhảy bao bố, giao lưu văn nghệ…

Nét đẹp truyền thống lễ hội làng Vạn Phúc
Giao lưu văn nghệ hát quan họ được tổ chức ở giếng đình trong dịp lễ hội.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, tổ tế nam quan cho biết: “Lễ hội truyền thống góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, bảo lưu những nét đẹp văn hóa cổ truyền của người dân làng Vạn Phúc, giúp mỗi người thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống quê hương, từ đó đồng lòng chung sức xây dựng quê hương ngày thêm phát triển”.

Không chỉ trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đều đặn hàng năm có tác dụng giáo dục truyền thống con cháu hướng về cội nguồn, đến với hội làng, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được rất rõ nét đẹp của hồn cốt văn hoá Việt Nam vẫn được nuôi dưỡng, gìn giữ qua hàng nghìn đời nay. Hội làng vì thế đi vào tiềm thức của mỗi người một cách sâu đậm và trở thành một phong tục tốt đẹp.

Nguyễn Hoài

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này