Dịch vụ xe công nghệ, vận tải đắt khách ngày cận Tết

20:46 | 20/01/2023
(LĐTĐ) Với nhiều ngành nghề, ngày 28 Tết đã là ngày hoạt động cuối cùng. Tuy nhiên, riêng với ngành dịch vụ vận chuyển, cụ thể như: Giao hàng, lái xe công nghệ, taxi, hay ngay cả vận tải hàng hoá,.. vẫn tất bật hoạt động để phục vụ mọi nhu cầu đi lại và vận chuyển của người dân trong những ngày Tết.
Thị trường thực phẩm ngày cận Tết giá ổn định, hàng hóa dồi dào Nhộn nhịp thu hoạch cam phục vụ thị trường Tết

Khan hiếm xe ngày cận Tết

Qua ghi nhận thực tế, trong mấy ngày gần đây, nhiều khách hàng tại Hà Nội phải chật vật để gọi taxi, xe ôm công nghệ dù giá cước nhiều thời điểm tăng rất cao.

Điển hình như, vào tối 19/1, anh Huy Tuấn (trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) phải mất hơn nửa tiếng mới có thể gọi được một chuyến xe ôm công nghệ đến khu vực quận Hoàn Kiếm để tham dự một cuộc liên hoan cuối năm.

“Vì tiệc liên hoan có rượu, bia nên tôi không muốn tự lái xe mà đặt xe công nghệ. Lúc tôi đặt xe là khung giờ cao điểm nên giá taxi lên quá cao, tôi đành phải chọn phương án di chuyển bằng xe ôm. Tuy nhiên, các ứng dụng đặt xe liên tục thông báo tài xế xung quanh đều đang bận hoặc không có tài xế. Phải chờ hơn nửa tiếng, mới có một tài xế nhận chuyến đi của tôi”, anh Tuấn chia sẻ.

Ngành dịch vụ xe công nghệ, vận tải nhộn nhịp ngày cận Tết
Theo chia sẻ của nhiều người dùng, những ngày cận Tết, việc đặt dịch vụ gọi xe công nghệ khá khó khăn.

Sáng nay (20/1), chị Mai Hương (trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng phải chờ lâu hơn mọi ngày để đặt xe GrabCar di chuyển sang Hà Đông chúc Tết sớm một người họ hàng. Theo chị Hương, giá cước gọi xe từ cuối tuần trước cũng bắt đầu tăng so với những ngày bình thường.

“Mấy ngày nay, gần như lúc nào tôi mở ứng dụng để đặt xe taxi cũng thấy hiện thông báo giá cước cao hơn do nhu cầu nhu cao”, chị Hương cho biết và nói thêm cuốc xe sáng nay chị đi từ Đội Cấn sang Yên Nghĩa, Hà Đông mất gần 400.000 đồng, trong khi hồi đầu tháng cũng quãng đường này chỉ gần 200.000 đồng. Như vậy, hiện tại mức giá cao gần gấp đôi.

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cũng như mong muốn có thể kiếm thêm thu nhập nên nhiều tài xế công nghệ quyết định làm việc đến hết ngày 29, 30 Tết. Theo nhiều tài xế, lượng đặt xe những ngày cận Tết tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày bình thường.

Anh Nguyễn Văn Toàn - tài xế xe công nghệ chia sẻ: “Tôi chạy xe đến hết ngày 30 Tết mới nghỉ, sinh viên về gần hết rồi, nhiều cơ quan cũng đã nghỉ nên đường đi thông thoáng hơn. Tôi chạy được số cuốc nhiều thì sẽ được thưởng. Thêm nữa, cước phí những ngày này tăng cao nên cánh lái xe chúng tôi cũng được lợi hơn”.

Giá cước tăng cao

Không chỉ với các dịch vụ gọi xe, khách hàng những ngày gần đây cũng gặp nhiều khó khăn khi muốn sử dụng các ứng dụng giao hàng. Chị Đinh Hiền, chuyên bán các mặt hàng quà tặng Tết ở quận Ba Đình cho biết, mấy ngày gần đây không dễ để có thể tìm tài xế nhận giao hàng qua các ứng dụng dù chấp nhận giá cao hơn vì nhu cầu chung những ngày gần Tết đều tăng đột biến. Do vậy, để phục vụ khách hàng của mình, chị Hiền phải tìm shipper trên các hội, nhóm trên mạng xã hội và cả các tài xế xe ôm truyền thống ở khu vực gần cửa hàng.

Ngành dịch vụ xe công nghệ, vận tải nhộn nhịp ngày cận Tết
Nhiều shipper tất bật giao hàng dịp Tết.

Chị Nguyên Thảo, chủ một shop bán đồ chơi cũng cho biết phải dùng đến dịch vụ Grab Express (lấy hàng ngay trong 15 phút) để giao nhanh cho khách. “Tuy nhiên, giá cước gần đây tăng rất cao, ví dụ cho đoạn đường tầm 7km thì giá app báo là 95.000 đồng. Nhiều khách thấy giá cước cao cũng nản và không mua hàng nữa”, chị Thảo kể.

“Nếu shop may mắn tìm được 2 - 3 đơn hàng cùng tuyến đường để ghép đơn đi chung thì mới giảm được tiền ship cho khách. Tuy nhiên, khi ghép đơn như vậy thì không dùng được mã khuyến mãi và shop mất khá nhiều thời gian ở việc canh thời điểm giá cước hợp lý để đặt đơn giao đi”, chị Thảo cho biết thêm.

Qua khảo sát, do nhu cầu đặt xe cao dịp Tết, các hãng đều áp dụng phụ phí để khuyến khích tài xế nỗ lực đảm bảo hoạt động xuyên suốt trong giai đoạn cao điểm này. Trong đó, Be áp dụng phụ phí Tết 5.000 - 20.000 đồng mỗi chuyến xe trong khung giờ từ 6h đến 22h cho tất cả dịch vụ từ ngày 20/1 đến ngày 26/1. Riêng beFood, phụ phí Tết sẽ áp dụng trong khung giờ 6h - 23h (tính từ thời điểm phát sinh chuyến xe).

Tương tự, Grab cũng thu phụ phí 5.000 đồng mỗi chuyến GrabBike, đơn hàng dịch vụ GrabMart, GrabExpress và 15.000 đồng cho mỗi chuyến GrabCar tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...

Giai đoạn 28 Âm lịch đến mùng 5 Tết, Gojek áp dụng mức phụ phí 20.000 đồng cho mỗi chuyến GoCar tại thành phố Hà Nội và 15.000 đồng tại Hà Nội. Các dịch vụ xe ôm, giao hàng và giao đồ ăn được doanh nghiệp này thu thêm 5.000 - 7.000 đồng mỗi đơn hàng. Baemin phụ thu tối đa 10.000 đồng một đơn hàng.

“Thời điểm cận Tết hầu hết các lái xe về quê sớm, nên những ai ở lại làm sẽ nhiều đơn hơn. Số đơn hàng của mình tăng gấp đôi so với bình thường”, anh Nguyễn Văn Thanh - một shipper nói.

Không chỉ với dịch vụ nội đô, năm nay, lượng khách có nhu cầu về quê ăn Tết hay đi du lịch cũng tăng đột biến so với các năm trước. Nguyên nhân được cho là do 2 năm trước người dân không thể đi đâu nhiều do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng chuẩn bị các phương án như tăng cường chuyến xe hay bố trí nhân sự hoạt động xuyên Tết để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá cho người dân.

Ông Lý Trường Sơn - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Tính đến ngày 28 Tết, lượng khách tăng 200 - 300% so với ngày thường. Hiện nay, khoảng dưới 800 xe xuất bến 1 ngày”.

Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng niêm yết số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, trực 24/24h để xử lý thông tin liên quan trong Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này