Người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm được Công đoàn hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng

08:40 | 20/01/2023
(LĐTĐ) Trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhằm kịp thời chia sẻ với đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, mất việc làm, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam quyết định hỗ trợ từ 1 - 3 triệu đồng đối với đoàn viên công đoàn và từ 700 ngàn đồng đến 2,1 triệu đồng đối với người lao động không phải là đoàn viên công đoàn.
Hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do thiếu, mất việc làm, bị nợ lương Sớm nghiên cứu sử dụng nguồn kinh phí công đoàn hỗ trợ người lao động bị mất việc làm Người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng sẽ được Công đoàn hỗ trợ

Trước tình hình nhiều đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, mất việc làm diễn ra thời gian qua, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết đến, Xuân về, ngày 16/1/2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm được Công đoàn hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà Tết tới công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định hỗ trợ từ 1 - 3 triệu đồng đối với đoàn viên công đoàn và từ 700 ngàn đồng đến 2,1 triệu đồng đối với người lao động không phải là đoàn viên công đoàn. Đây là món quà Tết hết sức ý nghĩa được tổ chức Công đoàn dành tặng cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo báo cáo của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, tính từ tháng 9/2022 đến hết ngày 8/1/2023, đã có 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động.

Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%, chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.

Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này