Thâm nhập đường dây chuyên thu mua, giết mổ lợn ốm chết

06:07 | 07/01/2015
Sau gần một tháng nhờ dắt mối, phải cải trang để “nằm vùng”, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã thâm nhập đường dây thu mua, giết mổ lợn ốm chết với số lượng lớn ở Hưng Yên, rồi tuồn ra thị trường bán cho người tiêu dùng. Được tiếp cận từ “chân rết” đến “ông trùm” trong “hội kín” ấy, nhóm phóng viên đã nghe, chứng kiến nhiều cảnh tượng kinh hoàng cùng những mánh lới của giới buôn “thực phẩm bẩn” mà có nằm mơ mọi người cũng không thể nghĩ tới.

Kỳ 1: "Giáp mặt" "ông trùm"

Gần 2 tuần, có được danh sách của các “chân rết” và “ông trùm” mua bán, giết mổ lợn ốm chết tuồn ra thị trường như Viện “lò mổ” ở Đông Tảo, vợ chồng Dân – Hái ở Từ Hồ, Khoái Châu, Thỉnh “lợn thải” ở Tân Tiến, Văn Giang và Dũng “lợn chết” ở Yên Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên. Nhóm phóng viên đã tản ra thành nhiều mũi với các cách tiếp cận khác nhau để thâm nhập vào những nhóm “hội kín” này nhằm vạch trần phương thức làm ăn “bất nhân” đem lại thu nhập cao ngất ngưởng của nhóm “đồ tể” trên…

Gian nan tiếp cận “hội kín”

Dù đã lên phương án kỹ lưỡng, tuy nhiên việc thâm nhập vào “liên minh ma quỷ” của “nhóm đồ tể” này hết sức khó khăn. Sở dĩ có chuyện này là bởi, đường dây tiêu thụ lợn thải, ốm chết luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo nguyên tắc là bí mật và không làm ăn với người lạ. Do đó, sau cả tuần trời, chúng tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu của chủ lò mổ về việc mua, bán loại lợn được cho là kém chất lượng này. Thành quả thu được chỉ là những thông tin ngoài rìa của những chủ trang trại đã từng bán lợn thải, lợn ốm chết cho “chân rết” trong đường dây.

Việc thâm nhập tưởng chừng bế tắc thì một đồng nghiệp trong nhóm chợt nhớ ra trước đây, nhà vợ cậu ta cũng có nghề giết mổ lợn có tiếng tại vùng Khoái Châu, Hưng Yên. Đúng như kỳ vọng, sau khi tiếp cận một số người này, chúng tôi đã được chỉ cho các mối, mánh lới làm ăn của nhóm “đồ tể” kia. Theo đó, khu vực các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên được biết đến là đầu mối cung cấp lợn thịt cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Ở những huyện này, hầu hết các làng đều có chuồng nuôi lợn với đủ các mô hình từ hộ gia đình, trang trại, đến cả công ty chăn nuôi có quy mô 500 – 700 con.

Hiện nay, dù đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tuy nhiên vẫn không thể tránh khỏi việc lợn bị dịch bệnh chết đột ngột. Thấy món hời từ việc thu mua, giết mổ rồi “phù phép” những con lợn ốm chết thành “lợn sạch” bán ra thị trường, nhiều đối tượng đã lập cả “đường dây nóng” cùng đội ngũ “tiếp thị lành nghề” chuyên đi thu mua lợn thải, ốm chết. Từ đó các “ông trùm” thu mua loại thực phẩm “chết người” này ra đời.

“Chăn nuôi vài ba con lợn, nhiều khi chuẩn bị xuất chuồng chúng lại lăn ra chết vì dịch bệnh. Vẫn biết là phải tiêu hủy, nhưng nghĩ “của đống tiền” ấy mà đem đi chôn thì phí quá. Trong khi đó, đội ngũ chuyên thu mua loại lợn này lại có sẵn nên khi lợn bị ốm chết, không chỉ tôi mà nhiều người đều gọi cho các chủ lò mổ đến mua, đem đi tiêu thụ nhằm vớt vát được đồng nào hay đồng đó...”, một nông dân tên Tám ở xã Đông Tảo, Khoái Châu chia sẻ.

Còn theo ông Tiến ở xã Mễ Sở, huyện Khoái Châu thì mỗi kg thịt lợn chết chỉ bán được 20 – 30 nghìn đồng. Dù không bằng nửa giá so với lợn bình thường, nhưng như thế vẫn là may rồi. Trong khi đó, dù lợn mới chết, hay đã bốc mùi và số lượng bao nhiêu các ông chủ lò mổ cũng mua hết.

Trong vai nhân viên của một công ty lớn đến đặt mối nhằm mua thịt lợn với số lượng lớn và thường xuyên, chúng tôi đã tiếp cận được vợ chồng chủ lò mổ Dân – Hái ở Từ Hồ, Khoái Châu. Theo quan sát của chúng tôi, trong khu mổ của gia đình Dân – Hái, nhiều con lợn đã được mổ phanh, nội tạng, đầu được vứt ngay trên nền đất bẩn. Cạnh đó, vài con lợn chết nằm cứng đơ được phủ bạt tạm bợ. Trong thời gian “đàm phán”, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy bà Hái nghe điện thoại của ai đó rồi vội vàng lên xe máy, một lúc sau chở theo 1 – 2 con lợn chết. Và cũng chỉ khoảng 15 – 20 phút sau, lợn chết đã được làm lông, mổ phanh, pha thịt xong.

Ông Lưu, một người sống đối diện điểm mổ lợn chết Dân – Hái cho biết, nơi đây biến thành lò mổ lợn chết gần chục năm nay rồi. Từ sáng đến đêm, ngày nào cũng có lợn mổ. Có đợt dịch, cơ sở này mổ cả ô tô lợn. Ô tô cứ chở lợn chết về trút xuống đó, đợi mổ xong lại đưa thịt lợn đi tiêu thụ. Không hiểu họ kiếm đâu ra nhiều lợn chết đến thế!  

56554

Điểm mặt “ông trùm”

Trong quá trình tìm hiểu, ngoài gia đình Dân – Hái, chúng tôi còn tiếp cận nhiều “ông trùm” chuyên thu mua lợn thải, ốm chết như Viện “lò mổ” ở xã Đông Tảo huyện Khoái Châu, Thỉnh “lợn thải” xã Tân Tiến huyện Văn Giang và Dũng “lợn chết” xã Yên Phú huyện Yên Mỹ.

Vợ ông Thỉnh đang mổ lợn chết (ảnh cắt từ clip)

Trong số những “ông trùm” trên, có thể nói Dũng “lợn chết” được xem là “tuổi trẻ tài cao” nhất. Lý do là bởi năm nay mới 29 tuổi, nhưng vợ chồng Dũng đã xây được nhà 5 tầng to lớn, có xe xịn và quản lý một đội thợ chuyên thu mua, mổ lợn thải, ốm chết. Đặc biệt, ngay trước cổng nhà, Dũng dựng hẳn tấm biển to đùng “Chuyên thu mua lợn ốm, lợn chết”.

Sau quãng thời gian tìm hiểu, chúng tôi xuống xe, xách cặp, tiến thẳng vào nhà Dũng. Sau khi nghe chúng tôi giới thiệu, Dũng “lợn chết” nhìn khách một lượt từ đầu đến chân, thăm dò, rồi hỏi thông tin liên quan đến công việc, vị trí công ty, cũng như lĩnh vực kinh doanh. May  là chúng tôi đã chuẩn bị kỹ, thậm chí cả in danh thiếp, tìm hiểu kỹ vị trí, ngành nghề, số lương công nhân và các lãnh đạo của công ty nên dễ dàng qua được “cửa ải lý lịch”.

Khi câu chuyện đã cởi mở, nghĩ là đã gặp khách hàng lớn, Dũng “lợn chết” chẳng ngại ngần chia sẻ: “Lợn chết có nhiều loại. Mới chết còn tươi, còn chết lâu thì thường có mùi, giá khác nhau. Khi ăn, khó nhận biết đâu là lợn bình thường, đâu là lợn ốm chết vì không được chứng kiến quá trình nhà bếp chế biến thức ăn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm đã từng “đổ” hàng cho một số công ty, thường sẽ trộn lợn sạch với lợn ốm chết sẽ ít bị phát hiện. Chứ cứ lấy lợn ốm chết không, dù ăn chênh lệch lớn, nhưng dễ bị phát hiện lắm. Đó là anh chia sẻ thế, còn các chú thích lấy bao nhiêu lợn ốm chết cũng có, chỉ cần điện thoại trước là được...”.

Để củng cố lòng tin, Dũng giới thiệu cho tôi biết một người chuyên thu gom lợn chết cho Dũng. Người này mới ngoài 20 tuổi, tên là Giới, trú tại Phố Nối, tỉnh Hưng Yên. Theo Dũng thì cả làng Giới đang ở đi buôn lợn chết chứ không riêng gì anh ta. Trong đó có hẳn một doanh nghiệp chuyên cung ứng thịt lợn chết cho các công ty trong KCN khu vực Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội,…Và cũng theo lời giới thiệu của Dũng, tôi tìm đến nhà ông chủ Thỉnh “lợn thải” ở xã Tân Tiến, người được mệnh danh là ông chủ của lợn thải, lợn chết.

“Cứ gọi tôi là Thỉnh lợn sề hoặc Thỉnh lợn chết đều được. Vì cái nghề của tôi là vậy” – ông chủ Thỉnh mở đầu câu chuyện khi gặp chúng tôi. Khi biết chúng tôi đang tìm nguồn hàng loại rẻ để đưa vào công ty, ông Thỉnh hài lòng nói: “Chỉ cần báo trước, tôi đảm bảo lúc nào cũng có hàng cho anh. Nhiều người về đây lấy hàng đưa vào công ty chứ có riêng gì các anh đâu…”.

Cũng theo ông Thỉnh thì có người chỉ thu mua lợn thải, có người lại chỉ thu mua lợn ốm chết, nhưng ông thì thu mua cả hai. Lý do là bởi ông có nhiều mối nhập hàng, nên dù nhập loại nào, ông cũng tiêu thụ được.
Nhấp ngụm nước rồi ông Thỉnh dẫn khách xuống thăm khu lò mổ của nhà mình. Trước mặt chúng tôi là 7 con lợn sề trên 2 tạ, mắt lờ đờ, thở dốc nằm bẹp dưới nền đất. Thỉnh thoảng lại có người nhà của ông Thỉnh chở lợn chết về. Và nhanh như cắt, mỗi người mỗi việc, chọc tiết, cạo lông, cắt thủ, rạch bụng, thoắt cái đã xong…
Hôm sau chúng tôi quay lại nhà ông Thỉnh thì 7 con lợn sề không còn. Khi chúng tôi hỏi, ông Thỉnh đáp gọn lỏn: “Làm thịt, bán hết rồi”…

Kỳ II: Lật tẩy những mánh lới của giới buôn

Nguyễn Nghĩa – Ngô Hùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này