Tự hào công nhân Việt Nam

22:42 | 26/01/2023
(LĐTĐ) Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, giai cấp công nhân cũng thể hiện được bản chất tiên phong. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ “vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất”, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo,. quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” chỉ hơn 1 năm người lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc, làm việc trong tất cả các phân ngành kinh tế đã hoàn thành Chương trình đề ra, tạo nên kỳ tích mới trong chặng đường vẻ vang của mình.
Để công nhân được thụ hưởng xứng đáng Tự hào 93 năm Công đoàn Việt Nam

Lan tỏa tinh thần: Ai cũng có thể sáng kiến

Tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với anh Hoàng Quang Sáng - công nhân Xưởng Hàn, Công ty Toyota Việt Nam (Vĩnh Phúc) khi anh may mắn là 1 trong 3 người cập nhật sáng kiến lên hệ thống của Tổng LĐLĐ Việt Nam vào thời điểm 15h34 phút ngày 3/10/2022 - thời điểm đạt mốc thứ 1 triệu sáng kiến - đánh dấu sự kiện Chương trình 1 triệu sáng kiến “về đích sớm” hơn 300 ngày so với kế hoạch.

Tự hào công nhân Việt Nam
Anh Hoàng Quang Sáng - công nhân Xưởng Hàn, Công ty Toyota Việt Nam (Vĩnh Phúc) chia sẻ về sáng kiến "Vị trí tay cò súng" của mình. Ảnh: B.D

Chia sẻ về sáng kiến "Vị trí tay cò súng" của mình, anh Sáng cho biết: “Giá trị sáng kiến của tôi mang lại là giúp công nhân dễ thao tác, không còn nguy cơ kẹp tay, đảm bảo an toàn lao động trong quá trình làm việc”. Cũng theo anh Sáng, ở Toyota, việc phát huy sáng kiến, cải tiến là việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi cán bộ, công nhân viên, và tất cả đều được Ban lãnh đạo và Công đoàn động viên, khích lệ bằng vật chất kịp thời.

Cùng “cán mốc” thứ 1 triệu sáng kiến với anh Sáng, chị Hồ Thị Bé Thảo - công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) cho biết: Cải tiến của chị là làm kệ phân loại thớt đục đã sử dụng và chưa sử dụng. Nếu trước đây khi công nhân thay thớt mất 3 giây tìm kiếm, số lần thay thớt là 3 lần/1 ngày làm ảnh hưởng tới năng suất làm việc, thì nay, sáng kiến của chị Thảo đã loại bỏ được 9 giây tìm kiếm thớt, giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình sản xuất.

Chương trình 1 triệu sáng kiến được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động vào tháng 12/2021 - thời điểm cả nước chung sức, đồng lòng phòng, chống đại dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế. Qua hơn 1 năm phát động, Chương trình thực sự đã trở thành luồng gió mới, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, tinh thần học hỏi, vươn lên không ngừng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước với mong muốn đóng góp sức mình vào sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp và sự phát triển chung của đất nước.

Theo ghi nhận trên hệ thống của Tổng LĐLĐ Việt Nam: Vào lúc 15h34 ngày 3/10/2022, Chương trình 1 triệu sáng kiến đã ghi nhận mốc 1 triệu sáng kiến được cập nhật, vượt chỉ tiêu đề ra trước thời hạn 332 ngày (gần 11 tháng). Và tính đến thời điểm Chương trình cán mốc 1 triệu sáng kiến, giá trị làm lợi của các sáng kiến tham gia chương trình ước tính khoảng 16.000 tỷ đồng.

Tạo động lực khơi gợi khát vọng để cống hiến

Ghi nhận từ thực tế và từ những kết quả thành công ban đầu của Chương trình cho thấy, Chương trình đã khơi gợi được tinh thần: Bất kỳ ai cũng có thể sáng kiến; đặc biệt, đã lan tỏa được tinh thần cống hiến, vượt khó vươn lên, chung tay khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh của những người công nhân Việt Nam trong thời đại mới.

Công nhân lao động sản xuất, tích cực đóng góp của cải cho đất nước. 	Ảnh: B.D
Công nhân lao động sản xuất, tích cực đóng góp của cải cho đất nước. (Ảnh minh họa: B.D).

Chia sẻ về những kết quả ban đầu của Chương trình 1 triệu sáng kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải tâm đắc: Qua Chương trình, đã có hàng chục nghìn sáng kiến của công nhân lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Điều này là biểu hiện sinh động cho khát vọng phát triển của người lao động Việt Nam để mang lại điều tốt đẹp cho bản thân và mọi người. Một doanh nghiệp có nhiều người lao động như vậy sẽ tạo thành động lực phát triển, và có nhiều doanh nghiệp như vậy sẽ đóng góp lớn vào sự chuyển động chung của xã hội.

“Mỗi sáng kiến đều xuất phát từ những vấn đề của thực tiễn, từ đôi tay, từ trí óc và hơn thế là từ lòng đam mê công việc mà chỉ những người thực sự yêu lao động mới có được. Mỗi sáng kiến là một câu chuyện mà ở đó không chỉ giá trị làm lợi, mà ý nghĩa sâu xa hơn đó là dù là những người lao động bình thường hay lao động trí thức hoặc nhà nghiên cứu đều có những sáng kiến mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Do vậy, tất cả các sáng kiến của người lao động cần phải được người sử dụng lao động quý trọng, có hình thức ghi nhận, biểu dương, khen thưởng tương xứng”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh thêm.

Tâm đắc với Chương trình 1 triệu sáng kiến của tổ chức Công đoàn Việt Nam, ông Akira Kikuchi - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) khẳng định về sự thấu hiểu và đồng cảm với chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tạo môi trường để mọi người lao động đều có động lực và tự giác tham gia hoạt động sáng kiến, cải tiến.

Ông Akira Kikuchi cho biết, việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo của người lao động không chỉ thể hiện qua lời nói mà qua những việc làm cụ thể. Thời gian tới, công ty sẽ xây dựng khu vườn ẩm thực để người lao động và người sử dụng lao động cùng ăn trưa với nhau; xây dựng siêu thị, khu vui chơi giải trí để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đó là không gian mở để người lao động thoải mái phát huy ý tưởng, sáng kiến.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, viết tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này