Tiếp nối những mùa xuân “trồng người”

13:01 | 25/01/2023
(LĐTĐ) Cùng với sự phát triển của Thủ đô, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã có những bước chuyển biến tích cực, thể hiện toàn diện ở mọi cấp học, là nền tảng để toàn ngành tiếp tục vững tin, quyết tâm khẳng định vị thế là một trong những lá cờ đầu của cả nước trong lĩnh vực “trồng người”.
Khơi dậy tinh thần yêu sách trong người dân Tri ân các thế hệ nhà giáo đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp “trồng người”

Nhiều kết quả toàn diện

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, đến nay, ngành GD&ĐT Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến năm học 2022-2023, Thành phố có hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông với hơn 2,2 triệu học sinh. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại và đạt chuẩn với nhiều loại hình trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

Tiếp nối những mùa xuân “trồng người”
Hà Nội luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về giáo dục.

Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Chỉ tính 5 năm gần đây, học sinh Hà Nội đã giành được 675 giải quốc gia và 82 Huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022, Hà Nội có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 99,1% (năm 2021 đạt 98,9%); 104 trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Hiện tại, Hà Nội là một trong bốn địa phương đầu tiên trên cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Toàn ngành hiện có hơn 150.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được tập trung thực hiện. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập (bao gồm các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia từ 80-85%.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các địa phương, việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được xác định là nhiệm vụ chung, trọng tâm và kiên trì triển khai, nhằm tạo nên các điều kiện dạy - học đạt chuẩn, với mục đích cao nhất là tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô và đất nước.

Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương

Cùng với cả nước, ngành GD&ĐT Thủ đô đang có những bước tiến vững chắc, chất lượng trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Kết quả này có sự góp sức không nhỏ của từng nhà giáo, học sinh và sự chung sức, đồng hành của phụ huynh. Đáng ghi nhận là những nỗ lực bền bỉ của lực lượng chủ lực - đội ngũ nhà giáo, nhằm phát huy vai trò nêu gương, xứng đáng là tấm gương sáng để học sinh noi theo về tinh thần tự học, sáng tạo và sự mẫu mực.

Tinh thần ấy của các nhà giáo Thủ đô được thể hiện toàn diện ở nhiều hoạt động, ở khắp các nhà trường, cấp học, tiêu biểu là trong các phong trào, cuộc vận động của ngành. Dù ở độ tuổi nào, điều kiện dạy học ra sao, mỗi nhà giáo luôn nỗ lực tự hoàn thiện mình, lan tỏa sự tích cực, nhiệt huyết đến đồng nghiệp với chung mục đích đem đến những điều tốt đẹp nhất cho học trò.

Không chỉ “truyền lửa” cho đồng nghiệp về sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết trong thời điểm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô giáo Trương Thị Hiền (Trường Tiểu học Tân Định, quận Hoàng Mai) đã xây dựng thành công ứng dụng “Sổ tay đến trường” với nhiều tính năng ưu việt, gỡ vướng cho phụ huynh và đồng nghiệp trong quản lý, hỗ trợ học sinh học trực tuyến. Đến nay, ứng dụng được nhiều đồng nghiệp chia sẻ và bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt về chất lượng dạy học.

Là giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Bùi Thị Ngọc Lan (Trường Trung học phổ thông Hoàng Cầu, quận Đống Đa) luôn dành tình cảm đặc biệt trân trọng khi học sinh làm được một việc tốt hay có sự tiến bộ trong học tập. Cô đã áp dụng sáng kiến “Kỷ luật bằng tình yêu thương để xây dựng lớp học hạnh phúc”; đồng thời luôn gần gũi học sinh như một người bạn, tình cảm như một người mẹ, đồng hành và sẻ chia với phụ huynh như thành viên trong gia đình.

Hay như cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đông La, huyện Hoài Đức) đã cùng các đồng nghiệp xây dựng Trường Trung học cơ sở Đông La trở thành điểm sáng của ngành GD&ĐT huyện Hoài Đức. Trước tác động của dịch Covid-19, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cô Dung đã chỉ đạo nhà trường đi đầu trong tổ chức dạy học online và chia sẻ kinh nghiệm với 2.000 giáo viên cả nước trên Diễn đàn Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam. Cô cũng tham gia và là điều phối viên của nhiều dự án cộng đồng miễn phí, hỗ trợ hàng nghìn giáo viên về trình độ công nghệ thông tin và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ.

Tấm gương sáng tạo của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý các nhà trường là những bằng chứng cho sự tâm huyết, tận tụy với nghề của mỗi nhà giáo Thủ đô. Đó cũng là sự kết tinh lòng yêu nghề, mến trẻ, yêu cuộc sống của mỗi người và quan trọng là tình yêu, sự tâm huyết đó đã thôi thúc mỗi thầy cô năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn để tạo ra những việc làm sáng tạo, hiệu quả, khoa học hơn trong hoạt động giảng dạy.

Một mùa xuân nữa lại về, với vị thế là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, giáo dục… của cả nước, ngành GD&ĐT Thủ đô tự hào về những kết quả đã đạt được, không ngừng tư duy, đổi mới, hành động để đưa sự nghiệp “trồng người” phát triển hơn nữa, góp phần tạo nền tảng cung cấp nguồn nhân lực cho hiện tại và tương lai vì một Thủ đô phát triển xứng tầm khu vực, vì đất nước thịnh cường.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này