Nâng tầm Y tế Thủ đô

10:17 | 23/01/2023
(LĐTĐ) Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng thời gian qua ngành Y tế Thủ đô đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngành Y tế đã và đang nỗ lực tiên phong đi tắt, đón đầu trong nhiều chuyên khoa mũi nhọn, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào việc khám chữa bệnh.
Những “bông hồng thép”… Muốn nâng tầm Y tế Thủ đô, phải có cơ chế đặc thù

Phát biểu tại Hội nghị Biểu dương "Công nhân, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh giỏi" năm 2022 do Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tổ chức vừa qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức, với tinh thần "chống dịch như chống giặc" thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã rất chủ động tham mưu cho Thành phố với những biện pháp quyết liệt phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế để từng bước khống chế, đẩy lùi được dịch bệnh.

Nâng tầm Y tế Thủ đô
Can thiệp bào thai là một trong những kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản khoa được triển khai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Cụ thể, trong thời gian qua, các đơn vị trong ngành Y tế Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.

Chia sẻ với báo chí, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết: Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát. Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện tốt, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, minh bạch về tình hình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch.

Theo đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố có xu hướng giảm, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 100 - 150 ca mắc/ngày. Hà Nội đã tăng cường tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người đủ điều kiện trên địa bàn.

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Một số loại dịch bệnh khác như sởi, viêm não nhật bản, liên cầu lợn, vi rút Adeno… vẫn đang được ngành Y tế kiểm soát hiệu quả.

Cùng với nhiệm vụ phòng chống, đẩy lùi nhiều loại dịch bệnh, công tác khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến rõ nét trong năm. Ngành Y tế đã và đang nỗ lực tiên phong đi tắt, đón đầu trong nhiều chuyên khoa mũi nhọn, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào chăm sóc và phục vụ sức khỏe nhân dân.

Theo đó, các đơn vị luôn quan tâm đầu tư, ứng dụng các trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao như: Phẫu thuật nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm; kỹ thuật can thiệp bào thai... Đây cũng chính là kết quả nổi bật trong phong trào "Nghiên cứu khoa học, hưởng ứng Chương trình "1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Chương trình “1 triệu sáng kiến” đã được đông đảo cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành tích cực tham gia với nhiều đề tài, sáng kiến xuất phát từ thực tiễn hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác khám, chữa bệnh. Kết quả, trong thời gian triển khai phát động giai đoạn I của Chương trình, ngành Y tế Hà Nội đã có 1.370/1.995 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở được đăng tải cập nhật trên hệ thống phần mềm Chương trình "1 triệu sáng kiến".

Điển hình như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, một trong những đơn vị đã tích cực tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến”, thậm chí hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao. Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, thời gian qua, Bệnh viện luôn coi công tác nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng cùng với quá trình phát triển, đổi mới, nâng cao năng lực kỹ thuật, nâng cao y đức trong đơn vị.

Nâng tầm Y tế Thủ đô
Hà Nội chủ động các chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Minh Khuê

Chia sẻ với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Bệnh viện đã khai trương Đơn vị Can thiệp bào thai tháng 1/2022, hiện đang ứng dụng các kỹ thuật can thiệp bào thai như: Sinh thiết gai rau, chọc ối, lấy máu cuống rốn để chẩn đoán trước sinh, đồng thời thực hiện điều trị truyền ối cho thai thiểu ối, phẫu thuật điều trị hội chứng truyền máu song, hội chứng song thai, thai không tim.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 236 ca can thiệp, truyền ối bào thai thành công tại Bệnh viện. Trước đây khi chưa có kỹ thuật can thiệp bào thai, hàng nghìn bào thai bị dị tật hoặc bất thường trong bụng mẹ sẽ không thể chào đời hoặc nếu may mắn chào đời sẽ bị tàn phế, không thể hòa nhập với cộng đồng. Kỹ thuật nhân văn này mở ra một chương mới, cứu hàng trăm em bé, hàng trăm gia đình thoát cảnh nuôi em bé tàn tật, nâng cao chất lượng dân số…

Theo Sở Y tế Hà Nội, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành Y tế Thủ đô sẽ tiếp tục chủ động triển khai các hoạt động, chương trình y tế. Trọng tâm tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khoa nhằm thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh tại y tế cơ sở, giảm tải cho tuyến trên.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo duy trì hệ thống giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng phòng chống dịch bệnh. Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, các Trung tâm Y tế 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đáp ứng với tình huống dịch bệnh phát sinh trong các tháng cuối năm...

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này