Xuân của những “chiến sĩ” blouse trắng

08:22 | 23/01/2023
(LĐTĐ) Trong Tết cổ truyền của dân tộc, đêm giao thừa là những khoảnh khoắc thiêng liêng nhất, ai cũng muốn ở bên cạnh gia đình, người thân yêu của mình. Nhưng với không ít “chiến sĩ” khoác áo blouse trắng lại là một mơ ước mang theo bao xúc cảm và sự hy sinh thầm lặng. Với họ, bệnh nhân khỏe mạnh, bình an, được đoàn viên, sum vầy với gia đình - đó mới là mùa xuân.
Hạnh phúc khi khoác áo blouse trắng Tưởng nhớ các "chiến sĩ mặc áo blouse trắng" hy sinh vì bom B52 càng phải nỗ lực nhiều

Luôn sẵn sàng trực chiến

Vào dịp Tết Nguyên đán, công việc của các y, bác sĩ trực cấp cứu dường như bận rộn, tất bật và đầy áp lực hơn những ngày thường. Tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, đêm giao thừa, hay cả những ngày Tết, các cán bộ, nhân viên y tế vẫn phải vất vả với nhiệm vụ cứu bệnh nhân. Chẳng ai mong đợi, nhưng với các cán bộ, nhân viên y tế tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội thì việc đón giao thừa ở đơn vị, ngoài đường là chuyện khá phổ biến.

Xuân của những “chiến sĩ” blouse trắng
Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội Trần Anh Thắng.Ảnh: Minh Khuê

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội Trần Anh Thắng cho biết: Do đặc thù làm nhiệm vụ cấp cứu người bệnh, nên công việc thường ngày của nhân viên 115 khá vất vả so với các đồng nghiệp làm việc tại bệnh viện. Đặc biệt, trong những ngày Tết, Trung tâm phải bố trí tăng cường lực lượng đảm bảo thường trực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp cứu của người dân.

Với 15 xe cấp cứu chuyên dụng, trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận và thực hiện khoảng 120 - 150 chuyến cấp cứu. Hàng ngày các cán bộ nhân viên Phòng điều phối nhận và xử lý từ 2.000 - 4.000 cuộc gọi. Ngoài những cuộc gọi cấp cứu, họ còn tư vấn cho người dân một số vấn đề về sức khỏe hoặc hướng dẫn sơ cứu khi chờ xe cấp cứu tới. Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm trong nhiều năm nay vào những ngày nghỉ lễ, đặc biệt là Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán số lượng gọi cấp cứu tăng lên từ 20 - 40%.

Thông thường, từ 20 giờ ngày 30 Tết tới 5 giờ sáng mùng 1 Tết là thời điểm hầu như Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải… Khối lượng công việc của các cán bộ, nhân viên Trung tâm ngày Tết tăng lên. Đa phần các ca bệnh thường tập trung vào những người già, bệnh mạn tính, nhưng cơ cấu bệnh tật thường sẽ nặng hơn so với ngày thường. Đặc biệt, dịp Tết, do nhu cầu đi lại, tình trạng lạm dụng rượu bia nên xảy ra nhiều ca tai nạn giao thông gây ra những chấn thương nặng, nguy kịch… có nguy cơ đe dọa tính mạng của nạn nhân. Do đó, các cán bộ, nhân viên y tế tại Trung tâm sẽ áp lực nhiều hơn ngày thường. Khi nghe điện thoại, các y, bác sĩ biết phải chuẩn bị sẵn mọi thứ trong đầu, đối mặt với “lằn ranh sinh tử” để hỗ trợ và cấp cứu bệnh nhân tốt nhất.

Những người có “tinh thần thép”

Trong Phòng điều phối Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, ánh điện chưa bao giờ tắt, chuông luôn reo dồn dập, không khí luôn khẩn trương trong tư thế sẵn sàng nghe tiếng chuông báo là họ lên đường. Hầu hết các nhân viên làm Phòng điều phối phải là nhân viên đã có kinh nghiệm, từng đi làm cấp cứu ngoại viện. Từ việc tiếp nhận cuộc gọi, tư vấn để người dân yên tâm chờ đợi xe cấp cứu, hoặc hướng dẫn người dân sơ cứu ban đầu… đều đòi hỏi phải chuyên nghiệp đến từng chi tiết.

“Trong cao điểm dịch Covid-19, hay trong những ngày lễ, Tết, Trung tâm phải giao cho những nhân viên đi làm trên 5 - 10 năm vào Phòng điều phối để xử lý tình huống, tránh “vỡ trận” cho đơn vị ngay từ khâu tiếp nhận thông tin. Nhiều năm trong nghề chúng tôi hiểu, việc bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân gọi và chờ xe cấp cứu 1 phút bằng 10 - 15 phút bình thường”, bác sĩ Thắng phân tích. Mặc dù gián tiếp trong công việc, nhưng những người làm tại phòng điều phối lại đóng vai trò then chốt, giống như những người chỉ huy trong “trận chiến” cấp cứu, bảo vệ tính mạng cho người bệnh.

Xuân của những “chiến sĩ” blouse trắng
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong công việc trực cấp cứu hàng ngày.

Mặc dù công việc vất vả, nhưng trong những ngày lễ, Tết, nhân viên Phòng điều phối cũng nhận được không ít cuộc gọi “rác” làm phiền, trêu đùa… “Khi có cuộc điện gọi đến, chúng tôi bắt buộc phải nghe thậm chí biết trước là họ sẽ trêu. Nhưng lỡ may họ cần cấp cứu thật mà mình không nghe thì mình lại là người có lỗi”, bác sĩ Thắng cho hay. Chính những cuộc gọi “rác” đã làm chậm, tắc ngẽn kết nối từ bệnh nhân thực sự cần cấp cứu tới Trung tâm.

Sẵn sàng lăn xả để cứu người bệnh, cho dù cơ thể họ không còn lành lặn, nhưng các bác sĩ không hề sợ hãi. Nhưng, có những điều diễn ra hàng ngày, nhất là vào những dịp Tết, các bác sĩ, nhân viên y tế tại Trung tâm không bao giờ muốn xảy ra. Điển hình như những ca tai nạn giao thông.

Khó có thể miêu tả hết sự vất vả, khổ cực của cán bộ, nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Sự nguy hiểm trong công việc rình rập khắp nơi. Trong quá trình tiếp nhận đưa bệnh nhân đi cấp cứu thì việc tiếp xúc với các ca bệnh nặng, những đối tượng “ngáo đá”, nguy cơ phơi nhiễm cao,… nếu không phải những người có “tinh thần thép” thì khó có thể trụ lâu dài với nghề này được. Vượt qua mọi khó khăn, với tinh thần trách nhiệm, mỗi ca bệnh cấp cứu là tính mạng con người nên “lính 115” luôn cố gắng hết sức.

“Vì đặc thù công việc, ngày Tết trực 24 tiếng, nghỉ 48 tiếng, nên hầu như cán bộ, nhân viên tại Trung tâm không về nhà được quá lâu, nhất là về quê xa thì không. Đặc biệt, vì hai vợ chồng tôi cùng làm việc trong ngành Y tế, nên hầu như năm nào các con cũng phải ‘di tản’ về quê ăn Tết với ông bà. Nhiều khi tôi cũng chạnh lòng khi nghĩ tới gia đình, nhất là với bọn trẻ, thương các cháu không có những cái Tết quây quần bên bố mẹ”, bác sĩ Thắng nói.

Cũng giống như bác sĩ Thắng, 17 năm gắn bó với công việc trực cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, chị Nguyễn Thanh Hương, hiện đang làm việc tại Phòng điều phối, không nhớ nổi mình đã cùng các ca trực tư vấn, cũng như sơ cứu và vận chuyển bao nhiêu bệnh nhân. Hầu như, Tết năm nào chị cũng phải trực. May mắn, các con, gia đình cũng hiểu cho công việc của chị nên mọi người đều ủng hộ.

Chị chia sẻ, phải làm việc tại Trung tâm mới hiểu cảm giác thèm được nghỉ những ngày lễ, Tết đến như thế nào. Quanh năm, suốt tháng đi trực, không có ngày nghỉ cố định. Lễ, Tết những người quê xa khó sắp xếp được để về đón cái Tết đoàn viên.

Và những “giao thừa” bất đắc dĩ

Với các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, người đón giao thừa ở Phòng điều hành, người đón giao thừa ở nhà bệnh nhân, hoặc ngay trên đường; còn trong các bệnh viện, nhiều bác sĩ đón giao thừa luôn trong các phòng cấp cứu. Thông thường, Tết đến, số lượng bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện đều tăng. Các bác sĩ trực Tết ở các khoa thường “chia lửa” cùng Khoa Cấp cứu vì đây là khoa vất vả, áp lực nhất bởi hầu hết các bệnh nhân nặng được dồn về... Tết, các bác sĩ còn bận rộn hơn ngày thường với nhiều ca cấp cứu xuyên đêm.

Khi chọn nghề này, người thầy thuốc, nhân viên y tế chấp nhận hy sinh nhiều thứ, trong đó có niềm vui đón Tết bên gia đình, người thân. Hầu như họ không bao giờ được nghỉ trọn vẹn những ngày Tết cùng gia đình. Bác sĩ Thắng gần 20 năm làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội thì là từng đó thời gian trực Tết tại đơn vị. Và các cán bộ, nhân viên y tế khác tại Trung tâm cũng vậy...

Là một trong những bác sĩ trẻ công tác tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang được 4 năm, thì có tới 2 năm bác sĩ Nguyễn Duy Toản đón Tết tại viện. Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Toản cho hay: “Hai năm tôi đón Tết tại viện, trong đó, một lần trực đúng đêm giao thừa, một lần trực vào mùng 1 Tết. Tuy nhiên, vì nhân lực có hạn nên không chỉ riêng tôi mà các bác sĩ trong Khoa Cấp cứu đều phải trực ít nhất 1 ngày trong 4 ngày từ 30 đến mùng 3 Tết”.

Vị bác sĩ trẻ này cũng không nhớ nổi có bao nhiêu ca bệnh được cấp cứu trong những buổi anh trực Tết. Nhưng đến thời điểm hiện tại, trực Tết Covid-19 năm 2021 trong bệnh viện là ca trực khiến anh nhớ mãi. Là một trong năm bệnh viện trên địa bàn Thành phố được Sở Y tế giao trọng trách tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19, nên suốt trong cao điểm dịch, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhiều y, bác sĩ tại Bệnh viện đã phải chạy đua với thời gian để cấp cứu người bệnh.

“Trực Tết Covid-19 thay vì tiếng chúc Tết, pháo hoa sáng lấp lánh, quần áo đẹp đón xuân thì tôi và hầu hết các anh em trong Khoa vẫn mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang kín mít. Xung quanh lúc nào cũng rền rứ những tiếng báo động của sóng monitoring, của máy thở… Thứ ánh sáng mà ai cũng căng thẳng theo dõi đó là đèn báo động đỏ, vàng, xanh của đủ các loại máy trong phòng cấp cứu, thay vì pháo hoa... Lúc đó chúng tôi chỉ có một suy nghĩ là phải cố gắng hết sức để tất cả các bệnh nhân đều được an toàn”, bác sĩ Toản nhớ lại.

Cũng theo bác sĩ Toản, trong thời điểm 3 ngày Tết, bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu thì thường là bệnh nhân rất nặng. “Các căn bệnh đến Khoa Cấp cứu trong những ngày Tết thường liên quan đến suy hô hấp, đột quỵ não, xuất huyết tiêu hóa, ngộ độc thức ăn… Và số không ít các trường hợp tai nạn liên quan đến rượu, bia”, bác sĩ Toản thông tin. Còn từ ngày mùng 3, hoặc mùng 4 Tết trở đi lượng bệnh nhân vào cấp cứu nhiều hơn và cũng nhiều nguy cơ.

Y tế là một ngành đặc thù, nhân viên y tế làm việc trong môi trường đặc thù, với nhiều sự hy sinh thầm lặng. Tuy nhiên, với các nhân viên y tế trên mọi mặt trận, họ không coi trực Tết là sự thiệt thòi mà chỉ đơn giản là nhiệm vụ thiêng liêng của người làm trong ngành Y. “Những ánh mắt đầy đau khổ vì bệnh, những giọng nói yếu ớt, đôi khi là khóc lóc la hét, nhiều ca bệnh là các ông, bà già, những em bé làn da tím tái, hoặc máu chảy ròng ròng… vào viện cấp cứu thì chỉ cần nhìn thôi cũng không ai cầm lòng được. Tất cả những điều đó đều thôi thúc các thầy thuốc phải cố gắng, làm việc hết mình. Với tôi khi đó làm việc không chỉ vì trách nhiệm, mà còn chất chứa tình người”, bác sĩ Toản cho biết thêm.

Chính từ sự gắn bó, gần gũi trong công việc mà bác sĩ Toản luôn có suy nghĩ, bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình. “Xác định bệnh viện là nhà và đồng nghiệp cũng là người thân, nên trực Tết với tôi cũng như các đồng nghiệp đều xác định như đón Tết cùng gia đình”. Cũng theo bác sĩ Toản, dù không được cùng gia đình đón Tết trong những lần trực đó, các bác sĩ luôn nhận được sự quan tâm, động viên, chăm lo đời sống kịp thời từ lãnh đạo bệnh viện. Điều này cũng phần nào tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ y, bác sĩ an tâm làm việc.

Mỗi người một hoàn cảnh, nỗi niềm riêng, nhưng những “chiến binh” blouse trắng đều chọn gác lại mọi niềm riêng, tất cả vì sức khoẻ và tính mạng của người bệnh lên trên hết. Mỗi lần kịp thời cứu được bệnh nhân qua cơn nguy kịch, nhận được những lời cảm ơn từ bệnh nhân, hay người nhà bệnh nhân cũng đủ là niềm vui, động lực để họ thêm yêu nghề và gắn bó hơn với công việc.

Một mùa xuân mới lại về, tiếng cười và sự mạnh khỏe của nhân dân chính là “Mùa xuân yêu thương” đối với họ.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này