Mãi “lắng hồn núi sông ngàn năm”

16:38 | 23/01/2023
(LĐTĐ) Nếu cho rằng mỗi thành phố văn hóa luôn có những nhà văn của mình thì Nguyễn Việt Hà xứng đáng là một trong số những nhà văn của Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Việt Hà chia sẻ, đã vài lần anh thử mở rộng không gian sáng tạo, bứt mình khỏi phố xá quen thuộc nhưng đều… thất bại! Khu phố cổ là những chất liệu để anh viết nên những câu chuyện thú vị, mang phong vị rất riêng về đất và người Hà Nội từ góc nhìn của riêng anh. Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, nhà văn Nguyễn Việt Hà đã dành cho Lao động Thủ đô cuộc trò chuyện thú vị xung quanh chủ đề về Hà Nội xưa và nay.
“Thăng Long tứ trấn” nơi lắng hồn núi sông ngàn năm Khẳng định phẩm giá, khí phách người Hà Nội

Phóng viên: Được biết, anh từng làm việc tại một ngân hàng trong thời gian khá dài, rồi rẽ lối sang văn chương. Anh đã khởi đầu như thế nào để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp mà bạn đọc bây giờ đều quen gọi anh là nhà văn của phố cổ?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà:

Mãi “lắng hồn núi sông ngàn năm”
Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Thường thì người ta hay hỏi các nhà văn là tại sao lại đi viết văn nhưng hầu như không có ai hỏi một người đang yêu là tại sao lại yêu. Nghề văn vốn dĩ không quá đặc biệt nhưng để giữ được nghề thì cũng đòi hỏi một vài phẩm cách khác lạ. Đại loại một người đã quá hạnh phúc, quá chỉn chu, hoặc cao hơn, có một đức tin thiêng liêng xác tín thì rất khó viết.

Văn chương là câu chuyện hoang mang, loay hoay của niềm vui nỗi buồn, nó thường bất ngờ, bất trắc. Tôi là người nhàn nhạt bình thường, học cái gì ra thì làm cái đấy, nên có hơn hai mươi năm thành thạo công chức. Những đoạn phố ngắn quanh Bờ Hồ đi quen tới mức thuộc từng ổ gà, từng gốc cây.

Thế nhưng, nếu chỉ nhìn thấy phố có ngần ấy thôi thì có lẽ chẳng bao giờ ngồi viết tiểu thuyết. Bởi, một hôm và không cứ một hôm Hà Nội có gió đầu mùa, sương loang tím mặt hồ, bỗng dưng đâu đó có một cặp đang yêu dỗi nhau. Phố cổ vẫn thế mà không hiểu sao mái ngói rêu phong chợt sẫm một nỗi nghèn nghẹn. Thế là nghỉ làm ngồi linh tinh viết. Văn chương đa phần khởi đầu bằng những bất chợt cảm xúc.

Phóng viên: Tôi đã có 25 năm gắn bó với Hà Nội, chứng kiến nhiều đổi thay của mảnh đất này, đôi khi cũng thảng thốt giật mình trước những đổi thay ấy, cả về đất và người. Với nhà văn Nguyễn Việt Hà, anh cảm nhận thế nào về một Hà Nội xưa cũ, bình yên, trong veo và giờ là một đô thị với sự phát triển không ngừng nghỉ?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà:

Hà Nội là một thành phố đã nghìn năm tuổi, đương nhiên trong sâu xa luôn luôn lắng đọng một ký ức. Nó chính là một di sản phi vật thể. Nỗi nhớ Thăng Long - Đông Đô hay Kẻ Chợ luôn sắc nét chập chờn, bất cần thời gian.

Có thể, đấy là đoạn tần tảo bao cấp, mong manh một quán chè chén bán rượu trắng “quả hồng” mẹ truyền con nối, lửng lơ ở đầu phố ngắn nào đó. Khách ngồi uống “thập loại chúng sinh”, từ viên chức nghèo đến sinh viên nghèo, thỉnh thoảng có thêm đám nghệ sĩ lại càng nghèo. Cũng có thể đó là mấy toa tầu điện xộc xệch, loay hoay vài thằng bé con nhẩy “lá vàng rơi” trốn vé, trôi qua mấy gánh xôi chè, gánh bún đông nghịt chị em lúc nào cũng tuyệt vời đẹp.

Nhưng cồn cào ám ảnh quyến rũ nhất, vẫn là thấp thoáng dáng của một vài mỹ nhân phố, ơ hờ lãng mạn trên ban công rêu phong thấp thoáng giàn hoa giấy. Bọn họ đoan trang kiêu sa “lẳng” tới mức, khi mình đăm đắm nhìn thì họ hình như cũng nhìn trộm lại. Bởi thế với nhiều người, khi đang lang thang một mình trên phố, chợt thấy một chung cư “cao cấp” khô khốc bê tông nhôm kính thì thảng thốt giật mình với những đổi thay cũng là lẽ đương nhiên. Tôi cũng vậy thôi!

Mãi “lắng hồn núi sông ngàn năm”
Tranh minh họa

Phóng viên: Nếu tôi nhớ không nhầm thì anh là người đầu tiên đưa ra quan niệm “người Hà Nội” và “người ở Hà Nội” - tất nhiên, cái quan niệm đó cũng khiến tốn bao nhiêu giấy mực của giới văn hóa văn nghệ, cũng mất lòng nhiều người. Anh giờ còn bảo lưu quan điểm đó hay không?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà:

Năm 2010, nhân chẵn kỷ niệm “Hà Nội nghìn năm”, người Pháp có mời tôi sang dự một “xê mi na” về chủ đề đó. Theo thông lệ thì tôi phải viết một bài để đọc, tôi lấy nhan đề là “Người ở Hà Nội”. Về nước, vài báo xin lại để đăng nên cũng có đôi chút tranh luận. Đại loại tôi có viết, Hà Nội từng mang danh Kẻ Chợ, đương nhiên sẽ là nơi “tứ chính quần cư”. Cùng với thời gian, người ở Hà Nội luôn có nét lẫn lộn của nhiều vùng miền. Người ta đến Thủ đô không hẳn vì “sang trọng” lập công lập danh, nhiều khi đơn giản chỉ là loay hoay kiếm sống. Có điều, người đã ở Hà Nội trên chục năm đã khang khác, trên ba chục năm lại càng khác.

Hà Nội sẽ không mất đi bởi nó vốn tồn tại một sinh lực mạnh mẽ đã hàng nghìn năm. Hà Nội nói riêng và cả dân tộc Việt nói chung, sẽ mãi mãi không thiếu vắng hào kiệt, mãi mãi vẫn sinh ra những người tài.

Thực ra, khái niệm “người Hà Nội” là trong trắng nhưng sâu xa có đôi nét mơ hồ. Điều trân trọng đáng quý là khi đứng trước cái “chuẩn” mờ ảo này, người ta đều khát khao rồi tự tước đi những dung tục. Nỗi mong muốn trở thành một người Hà Nội là một cố gắng rất thật. Nó phảng phất ở cách ăn, cách yêu, cách mặc. Người đã ở Hà Nội thật lâu, đi vào đám đông thường không bị lẫn, cho dù văn hóa của người Hà Nội hôm nay bập bềnh nhiều nét của Lắng (thiêng liêng) của Đọng (phàm tục).

Tất nhiên, cái nhìn của tôi cũng chỉ thuần túy theo kiểu nghệ sĩ hay tài tử. Có điều tôi vẫn nghĩ, bất cứ ai mong manh đôi chút chất “nghệ”, bất kể gốc gác “thập phương tứ xứ”, nhưng đã ở Hà Nội một đoạn đều chợt thăng hoa thành nghệ sĩ. Đây là một trong vài cái đáng yêu nhất của Hà Nội bây giờ.

Phóng viên: Với tôi, Hà Nội đã bao dung rất nhiều thân phận người, từ những người lao động chân tay đến những trí thức, cho họ một cuộc sống mới, một quê hương thứ hai. Trong cuộc sống mưu sinh, họ cũng đã tận hiến cho mảnh này. Trong sự phát triển của Hà Nội, phần nào đó có dấu ấn của họ. Họ đáng được trân trọng và tôn vinh, anh có nghĩ như vậy không?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà:

Tôi hoàn toàn đồng ý với chị.

Phóng viên: Anh yêu Hà Nội, điều đó là rõ ràng rồi. Khi yêu thì con người ta thường có xu hướng sở hữu. Có phải anh luôn muốn có một Hà Nội của riêng mình?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà:

Cách đây chừng gần chục năm, Nhà xuất bản Trẻ muốn giới thiệu đôi cuốn sách mới của tôi nên có tổ chức một hội thảo tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Tràng Tiền. Tôi chưa bao giờ làm ra mắt sách nên ngần ngại vô cùng. Có lẽ vì thế mà để rộng chuyện, hội thảo lấy tên là “Hà Nội của Hà”. Nghe hơi có mùi sở hữu nhỉ, tôi đành nói. Hà Nội thì mênh mông, chẳng phải của riêng ai cả. Mỗi người đã từng ở Hà Nội đều có một Hà Nội của riêng mình.

Hôm ấy có một độc giả hỏi, phải chăng quê hương ai cũng có một dòng sông. Tôi đùa, tôi là con giai duy nhất nên cho đến hết trung học mẹ tôi vẫn cấm tôi không được mon men tới sông Hồng. Tuổi thơ của tôi chỉ có hồ, đặc biệt là hồ Gươm. Tôi đã viết cả chục truyện ngắn, cả trăm tạp văn về riêng hồ Gươm...

Mãi “lắng hồn núi sông ngàn năm”

Phóng viên: Chúng ta đang đến rất gần với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, là người sống lâu năm trong phố cổ Hà Nội, tôi tò mò muốn biết anh và gia đình đón Tết cổ truyền như thế nào? Anh có thể kể cho độc giả của Lao động Thủ đô nghe những kỷ niệm đặc biệt của anh về Tết xưa ở Hà Nội được không?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà:

Tôi viết tạp văn cho các báo rất muộn, chỉ sau khi đã viết xong hai cuốn tiểu thuyết. Hầu như Tết nào cũng viết vài bài về Tết, đương nhiên thôi, vì Tết là dịp nhuận bút thường cao. Và xuyên suốt những cái viết đấy vẫn là những khắc khoải nhớ về vài cái Tết thủa xa xưa, cho dù cũng chưa quá xa đâu, có điều nó rất khác. Hà Nội lúc ấy còn thưa người, hiếm hoi ô tô, lác đác xe máy và dịu dàng ngập tràn xe đạp. Ở mọi góc phố, tuyệt hiếm những khu chung cư cao tầng. Thảng nếu có, như khu Kim Liên, Trung Tự chẳng hạn, thì nó cũng chỉ cao vừa đủ để cho một chàng trai đang yêu đứng dưới lòng đường, vọng lên những lời tình tứ cho một cô bé dối cha dối mẹ đang giả vờ tưới hoa ở tầng thượng. Tết nhất chính là một dịp bằng vàng để cho bọn họ liều lĩnh hẹn hò. Tất nhiên, hầu hết những cuộc hẹn là loay hoay khổ nhọc, bởi chuẩn bị Tết với từng nhà, không cứ quan hay dân, luôn là sự lo toan vất vả.

Mà có gì đâu, đã không biết bao nhiêu người kể rồi, toàn là những thứ giờ đây đang tràn ngập ở những siêu thị rẻ tiền. Hộp bánh kẹo Hải Hà bọc giấy bóng mờ thủng lỗ chỗ là quá sang. Chai rượu hoa quả hoặc mơ hoặc chanh, nếu lại là chai “lúa mới” thì sang quá. Thượng thặng là gói thuốc lá Điện Biên hay Tam Đảo bao bạc. Mọi người đều phải dậy sớm xếp hàng, vì thế, những thiếu nữ chưa chồng ở dịp Tết của thời đấy bận lắm. Biết người yêu đang ngong ngóng thập thò chờ ở cột điện chỗ ngã tư đầu phố, nhưng phải rửa cho xong rổ lá dong để gói bánh chưng đã. Rồi giống như bao đôi trẻ đang lâng lâng hạnh phúc đạp xe trôi trên những phố cổ, nàng khẽ tựa đầu vào lưng chàng. Tóc của nàng đằm thắm mùi lá hương nhu, mùi của lá mùi già…

Phóng viên: Chỉ nghe anh kể thôi, tôi cũng phần nào mường tượng được Tết xưa của Hà Nội thật bình yên và ấm cúng. Sắp tới, anh có dự định sẽ viết một tác phẩm “đồ sộ” nào đó về Hà Nội không?

Nhà văn Nguyễn Việt Hà:

Thường thì người ta hay ngại nói về những cái đang làm dở. Nhưng thú thực, tôi sắp xong một cuốn tiểu thuyết tạm gọi là trinh thám. Không gian, thời gian vẫn là phố cổ Hà Nội, bởi tôi có biết những gì khác đâu…

Phóng viên: Cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện thú vị này. Tôi sẽ chờ tác phẩm mới của anh. Kính chúc anh và gia đình năm mới an vui!

Hồn cốt của phố Hà Nội thì đâu đã hẳn là nhờ ở rêu phong mái ngói trên những ngôi chùa, những nhà thờ hay những tòa biệt thự đã hơn trăm năm tuổi. Nó lung linh là nhờ phần lớn ở những người vừa “cũ” vừa “kỹ” đã từng hoặc đang sống ở đó. Bọn họ có thể trẻ có thể già, đa phần đều tài hoa cầu kỳ kiêu bạc. May mắn đến bây giờ vẫn còn những đoạn phố lơ ngơ lãng mạn kiểu như Nguyễn Gia Thiều hay Ngô Văn Sở, để cho đôi lúc người ta hoài niệm. Khi thưa người thì lãng đãng kiêu sa, lúc đông người thì rưng rưng ấm cúng.

Lê Thị Hà (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này