Làm giàu từ nông nghiệp

13:05 | 25/01/2023
(LĐTĐ) Giai đoạn vừa qua, thành tựu nổi bật, rất đáng trân trọng chính là hình thành một thế hệ nông dân mới, giàu lòng yêu nước, đoàn kết, dám nghĩ dám làm, giữ vững giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, có đủ năng lực để kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ. Những nông dân đang vươn lên làm giàu bằng những mô hình kinh tế mới.
Chuyện những nông dân làm giàu từ nông nghiệp sạch Bỏ phố về quê làm giàu từ nông nghiệp sạch Nông dân huyện Đan Phượng “thi đua” làm giàu từ nông nghiệp

Với mô hình chăn nuôi bò và chế biến thực phẩm, dịch vụ nông nghiệp, anh Trần Văn Thắng (xã Thọ An, huyện Đan Phượng) là một trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022" được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương giai đoạn 2017-2022”.

Anh Thắng là người đi đầu trong việc áp dụng các mô hình sản xuất chăn nuôi tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế gia đình, tận dụng nguồn thức ăn, không gian chăn nuôi; áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất tiêu thụ ra thị trường sản phẩm thịt bò an toàn gắn với bảo vệ môi trường nông thôn.

Làm giàu từ nông nghiệp
Chị Đặng Thị Cuối.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, cho gia đình, anh còn tích cực phổ biến, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất và vận động các hộ gia đình, hội viên nông dân trên địa bàn cùng nhau chăn nuôi; trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất. Gia đình anh Thắng đã góp phần liên kết chuỗi cung cấp cho thị trường Hà Nội sản phẩm thịt bò sạch, đảm bảo chất lượng. Trung bình mỗi năm cung cấp 250 tấn thịt bò; sử dụng được hơn 20 lao động mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển chăn nuôi bò với số vốn 1,2 tỷ đồng.

Nhạy bén với cơ chế thị trường, anh Thắng thể hiện sự năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm để từ đó khai thác có hiệu quả nguồn đất đai, nguồn vốn, sức lao động tại địa phương để nâng cao năng suất, mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình, phát triển mô hình ngày càng có hiệu quả.

Năm 2016, gia đình anh Thắng được Thủ tướng tặng Bằng khen vì đã có mô hình hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 2017 đến nay, anh nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Hội Nông dân thành phố Hà Nội… về các thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, phong trào đền ơn, đáp nghĩa, phong trào thanh niên…

Còn anh Hoàng Mạnh Ngọc (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) với những cống hiến, đóng góp trong ngành chăn nuôi đã được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022. Trang trại Ngọc Mừng của gia đình anh Ngọc có quy mô sản xuất 1,2ha với mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, là một trong những mô hình chăn nuôi tiêu biểu của thành phố Hà Nội. Anh chăn nuôi các loại gà nổi tiếng như gà Mía, gà Hồ, gà Đông Tảo... Đây là những giống gà chất lượng cao, được chăn nuôi theo phương thức bảo tồn gen và bán con giống. Trang trại còn đầu tư 60 máy ấp trứng, sản lượng 1,5 vạn con gà giống xuất chuồng mỗi ngày. Toàn bộ quy trình sản xuất của trang trại đều áp dụng công nghệ trong các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn, nước uống tại chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp... qua phần mềm kết nối mạng internet trên điện thoại thông minh.

“Thực sự mà nói, nếu có quyết tâm mà không có cơ hội từ chủ trương và định hướng của thành phố Hà Nội thì chắc chắn nông dân chúng tôi khó mà mạnh dạn đầu tư lớn như vậy. Lúc đó, ở huyện Đông Anh tôi được Hội Nông dân giới thiệu là điển hình thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội nên được khuyến khích, tạo điều kiện rất nhiều”, anh Ngọc chia sẻ.

Là người nông dân thời đại mới, anh Ngọc là người dám nghĩ, dám làm. Trong quá trình chăn nuôi, anh luôn đưa công nghệ cao vào sản xuất và chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với bảo vệ môi trường. Thời điểm hiện tại, với xưởng ấp rộng 2.000m2 cùng khu vực chăn nuôi gà sinh sản rộng 15.000m2 có 35.000 gà bố mẹ, kết hợp cùng 7 trang trại nuôi gia công vệ tinh có 170.000 gà bố mẹ. Doanh thu khoảng 9 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng theo anh Ngọc, lợi nhuận vẫn còn bấp bênh do đặc thù nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá cả thị trường, dịch bệnh… Tuy nhiên, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, anh cũng luôn đảm bảo lợi nhuận cao nhất cho các trang trại vệ tinh.

Tương tự, với sự nhạy bén, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của quê hương, chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) đã mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo nhiều công ăn việc làm.

Trang trại Cuối Quý hiện có tổng diện tích 46.292m2, sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ. Sản lượng hàng năm đạt từ 50-80 tấn rau củ quả các loại, doanh thu đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng.

Hợp tác xã Cuối Quý cũng hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho 25 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng và 40-60 lao động thời vụ với thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/ người/tháng. Nhiều sản phẩm của Hợp tác xã đã được thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Từ những trải nghiệm đầy gian khó trên con đường lập nghiệp, chị Đặng Thị Cuối cũng đã tích cực phối hợp với Hội Nông dân địa phương hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho hàng trăm lao động cả trong và ngoài xã, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho một số hộ có nhu cầu sản xuất rau hữu cơ ở các tỉnh khác để cùng nhau phát triển sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp. Những thành tựu trên, chị đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen các cấp, trong đó năm 2022, chị được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Thoa - Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này