Kim chỉ nam để Hà Nội phát triển xứng tầm

07:17 | 22/01/2023
(LĐTĐ) Xuân mới, năm mới cũng là thời điểm Đảng bộ, chính quyền và toàn thể hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội nỗ lực không ngừng để đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đi vào cuộc sống với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm khu vực.
Xây dựng Thủ đô xứng tầm khu vực Động lực mới để Hà Nội phát triển xứng tầm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Thủ đô Hà Nội. Trong các buổi thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố, Người luôn mong muốn làm sao để cho Hà Nội “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Và suốt thời gian qua, Trung ương cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt với “mỗi bước đi, hơi thở” của Thành phố.

Kim chỉ nam để Hà Nội phát triển xứng tầm
Một góc hồ Trúc Bạch. Ảnh: Đặng Sinh

Từ việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (có hiệu lực 1/8/2008) để Hà Nội không phải khoác lên mình tấm áo chật, không có không gian, dư địa chí để phát triển; đến việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định xây dựng Vùng Thủ đô (gồm 10 tỉnh lân cận), trong đó Hà Nội là hạt nhân nhằm tạo đòn bẩy đưa cả Vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng vững bước tiến lên. Đi kèm đó, các cơ chế, chính sách kịp thời được ban hành… Không phụ lại kỳ vọng của Trung ương, thời gian qua bằng sự cố gắng không mệt mỏi của toàn hệ thống chính trị, Hà Nội đã vươn lên thành một trong hai trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước là minh chứng sống động.

Tuy nhiên, với một thành phố có quy mô dân số lên tới gần chục triệu người, diện tích tự nhiên rất lớn, muốn “khai mở” mọi nguồn lực để Hà Nội phát triển mạnh hơn cần phải có những cơ chế, chính sách mới theo hướng mở hơn. Chính vì thế, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được coi là kim chỉ nam về định hướng chiến lược để các cấp, ngành phối hợp với thành phố Hà Nội triển khai những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo những bước đột phá mới.

Quan điểm, mục tiêu về phát triển Hà Nội, Nghị quyết số15-NQ/TW ghi rõ: “Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển… Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Hỗ trợ phát triển bền vững, đồng bộ các thị trường tài chính, tiền tệ; thị trường chứng khoán; thị trường bất động sản; thị trường khoa học và công nghệ; thị trường lao động; thị trường dịch vụ văn hoá. Xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao; phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô. Ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp - công nghệ cao và các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hoá…”.

Cụ thể hóa, xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn trách nhiệm đối với từng tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương của Thành phố trong triển khai thực hiện Nghị quyết theo lộ trình phù hợp; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trích Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 26/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW

Trong chiến lược phát triển kinh tế bất kỳ quốc gia, địa phương, tỉnh, thành nào ngoài cái chung, muốn phát triển nhanh đều phải dựa vào lợi thế so sánh của mình. Với Thủ đô Hà Nội, lợi thế so sánh lớn nhất là nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, gắn với bề dày văn hóa của hơn 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Với phương châm “đi tắt, đón đầu” nên Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng rất rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển…”, chính vì thế mục tiêu bao trùm trong thời gian tới của Hà Nội là đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên các trụ cột chính: Công nghiệp, công nghệ có hàm lượng chất xám cao; Tài chính, dịch vụ, ngân hàng; Công nghiệp văn hóa và Nông nghiệp sử dụng công nghệ cao.

Tin tưởng chắc chắn rằng, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định các lĩnh vực, ngành nghề quan trọng để phát huy lợi thế so sánh trong tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm khu vực. Mạnh về kinh tế, hiện đại về hạ tầng, đô thị, xanh, sạch, đẹp… trong mạch nguồn bất tận của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Tuệ Giang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này