Tạo sức bật cho “mũi nhọn kinh tế”

08:22 | 23/01/2023
(LĐTĐ) Sau hơn 2 năm gần như tê liệt vì dịch bệnh, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) đã và đang có sự phục hồi ấn tượng. Đó là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các chính sách kích cầu đầu tư, xây dựng sản phẩm mới, phát triển thị trường trọng điểm… từ đó tạo nên bước đột phá nhằm mang lại sức sống mới cho “mũi nhọn kinh tế”.
Quốc hội nhất trí chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh Bố trí đủ vốn cho các dự án đầu tư công dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025

Tăng trưởng cao nhất vùng

Trong những năm qua, tuy phải chịu nhiều tác động do tình hình kinh tế - chính trị thế giới bất ổn, nhưng với những lợi thế về phát triển du lịch và sự nỗ lực của ngành du lịch TP HCM cùng với những bước đi sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động du lịch TP HCM luôn đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tốc độ phát triển cao hơn nhiều so với bình quân cả nước.

Trong giai đoạn 2014 - 2019, TP HCM có tỷ lệ tăng trưởng trung bình đạt 13,19%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước. Đến năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, lượng khách du lịch quốc tế đến TP HCM chỉ đạt trên 1,3 triệu lượt, giảm 84,8%; khách du lịch nội địa ước đạt trên 15,8 triệu lượt, giảm 51,5%. Có thể thấy dịch bệnh là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động phát triển du lịch bên cạnh những yếu tố khác như thiên tai, khủng hoảng tài chính, xung đột chính trị,...

Tạo sức bật cho “mũi nhọn kinh tế”
Du lịch TP HCM đang chú trọng xây dựng các sản phẩm mới.

Đặc biệt, năm 2022, khi được mở cửa hoàn toàn trở lại vào ngày 15/3, ngành du lịch TP HCM có sự phục hồi ngoạn ngục. Tính đến tháng 10/2022, TP HCM đón gần 25 triệu lượt khách du lịch nội địa (đạt 99,6% kế hoạch năm 2022) và đón hơn 2,6 triệu lượt khách quốc tế (đạt 75,9% so với kế hoạch năm 2022). Doanh thu du lịch đạt 105.578 tỷ đồng, vượt 17,3% kế hoạch năm 2022.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, kể từ khi mở cửa hoàn toàn, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan về phục hồi thị trường khách du lịch nội địa, thị trường khách quốc tế vẫn tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, từ những số liệu trên có thể thấy TP HCM là nơi có tỷ lệ tăng trưởng vào loại cao nhất vùng Đông Nam Bộ.

TP HCM hội tụ đầy đủ lợi thế để thu hút khách trong nước và quốc tế, gồm đường sông, đường bộ và hàng không. Tuy nhiên, muốn sản phẩm tour thực sự nổi bật, cần khai thác đồng bộ, kết nối chặt chẽ giữa các quận huyện, doanh nghiệp lữ hành, từ đó giúp sản phẩm đa dạng, phong phú hơn.

Để nỗ lực làm mới, thu hút khách, ngành du lịch TP HCM đã kết liên tục giới thiệu, quảng bá hàng loạt chương trình, sự kiện mới trong năm 2022. Điển hình như “Tháng khuyến mãi”, tour du lịch kết hợp làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, mức khuyến mãi từ 10-100%. Song song đó, ngành du lịch đang khảo sát thêm nhiều điểm đến, xây dựng sản phẩm mới, thu hút khách nội địa cũng như quốc tế đến TP HCM cuối năm nay.

Ngoài chiến lược của Sở Du lịch TP HCM, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để phục hồi ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Top Ten Travel nhận định, kể từ khi ngành du lịch chính thức mở cửa vào tháng 3/2022, lượng khách đến tham quan TP HCM tăng đột biến, nhất là vào cao điểm hè. Điều này cho thấy nhu cầu du lịch của người dân bị “dồn nén” rất lớn, do đó công ty rất lạc quan về tương lai và tin đây là tín hiệu tích cực cho thấy ngành du lịch TP HCM đang phục hồi mạnh mẽ.

Ông Trần Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, từ tháng 9/2022, Saigontourist đã chuẩn bị kỹ lưỡng về sản phẩm, dịch vụ, nhân sự, đội ngũ hướng dẫn viên và hiện đã hoàn tất hơn 300 sản phẩm tour Tết, triển khai bán trên toàn quốc và dự kiến phục vụ hơn 20.000 lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Xây dựng nhiều sản phẩm mới

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, nhưng sự phát triển của du lịch TP HCM vẫn chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất là TP HCM đang thiếu một chiến lược đa chiều giữa phát triển du lịch với các lĩnh vực khác của TP HCM và trong mối quan hệ tổng thể với du lịch Việt Nam, khu vực và quốc tế. Điều này càng trở nên cấp bách khi sự phát triển của ngành du lịch hiện đang diễn ra trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cũng như chịu tác động của nhiều yếu tố như cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để TP HCM thực hiện việc cơ cấu lại ngành du lịch để phục hồi và tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của mũi nhọn kinh tế.

Tạo sức bật cho “mũi nhọn kinh tế”

Trước tình hình đó, Sở Du lịch TP HCM đã phối hợp với các doanh nghiệp công bố và triển khai 42 chương trình du lịch nội đô tại thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện; làm mới lại các chương trình du lịch tại các điểm đến của Thành phố, gắn với các hoạt động trải nghiệm, đạp xe tại các vùng nông thôn ngoại thành, tìm hiểu văn hóa địa phương, tham gia các hoạt động hướng đến việc bảo vệ môi trường… TP HCM cũng đang đẩy mạnh khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của sông Sài Gòn, sông Nhà Bè để xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và du lịch ven sông, kết nối với hệ sinh thái ven kênh để phát triển du lịch đường thủy trở thành sản phẩm đặc thù của TP HCM. Tận dụng tài nguyên để hình thành sản phẩm đặc trưng của từng địa phương và kết nối để hình thành sản phẩm theo chuyên đề, theo vùng địa lý, theo thương hiệu (Chợ Lớn, Nhà Bè, Tân Sơn Nhất, Bà Chiểu, Bàn Cờ, Bình Tây...).

Ngoài ra, du lịch TP HCM không thể phát triển bền vững và đúng với vai trò, vị thế của một Trung tâm du lịch lớn nhất ở khu vực phía Nam nếu như không gian du lịch chỉ “bó” trong ranh giới hành chính. Chính vì vậy, TP HCM đang đẩy mạnh liên kết vùng nhằm tăng cường kết nối giữa các địa phương và doanh nghiệp, triển khai đa dạng chương trình xúc tiến phát triển du lịch liên vùng, để kịp thời vực dậy ngành du lịch trong nước, tạo đà cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho rằng, tính liên kết trong hoạt động kinh doanh, cũng như trong công tác quảng bá sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn TP HCM sẽ được chú trọng trong thời gian tới như việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, đầu tư xây dựng sản phẩm mới góp phần định vị du lịch TP HCM trong những năm tiếp theo.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này