Nhà nước định giá với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán

22:33 | 09/01/2023
(LĐTĐ) Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật Khám, chữa bệnh được thông qua quy định Nhà nước định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán.
Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều phải kê khai giá, niêm yết giá Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội thông qua Luật Khám chữa bệnh và 3 Nghị quyết

Chiều 9/1, với 77,82% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), với 12 chương, 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành.

Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu rõ, về giá khám chữa bệnh, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần quản lý giá khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, cả khám bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh theo yêu cầu để bảo đảm quyền được chăm sóc y tế của Nhân dân, bảo đảm những người yếu thế không bị nghèo hóa về chi phí y tế; đề nghị làm rõ Bộ Y tế quy định giá gì, thay đổi cách quản lý về quy định giá.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định Nhà nước định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoài danh mục dịch vụ do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại khoản 5 và khoản 6 Điều này; giao cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu như thể hiện tại khoản 7 Điều 110.

Nhà nước định giá với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. (Ảnh: Quốc hội)

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chưa rõ vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính; có ý kiến cho rằng cần có sự kết nối liên thông phù hợp với một số luật trong thời gian tới sẽ sửa đổi, bổ sung như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Đấu thầu.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong quá trình xây dựng các quy định liên quan đến nội dung này đã thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đối chiếu với các dự thảo Luật giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và xin ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật này để bảo đảm có sự kết nối liên thông phù hợp với các luật liên quan. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Về ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, các điều khoản về tài chính chưa tách khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và khám bệnh, chữa bệnh bình thường để xác định nguồn thu - chi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thực tế nhiều trường hợp không thể bóc tách được khoản chi từ nguồn thu do nhiều hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sử dụng chung nguồn lực như điện, nước, xử lý chất thải...

Do vậy, việc quản lý tài chính từ nguồn thu và việc chi sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tài chính, kế toán. Ngoài ra, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu như thể hiện tại Điều 110 của dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát quy định của dự thảo Luật Giá (sửa đổi), tham vấn ý kiến của Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Giá. Qua rà soát và tham vấn, dự thảo Luật quy định ‟Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”.

Nhà nước định giá với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán
Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi. (Ảnh: Quốc hội)

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị trong trường hợp Bộ Y tế chưa định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quyền định giá. Về vấn đề này, theo Báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, cơ bản các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được áp giá và xếp tương đương, còn một số loại dịch vụ chưa có giá trực tiếp hoặc chưa được xếp tương đương là những kỹ thuật không cần quy định giá riêng vì đã cấu thành trong định mức kinh tế kỹ thuật của dịch vụ kỹ thuật hoặc đã có chung với định mức kỹ thuật của các dịch vụ kỹ thuật tương ứng này ở đối tượng khác.

Một số loại chưa được xếp tương ứng là do đã cấu thành trong định mức kinh tế của dịch vụ giường bệnh nội trú, trùng lặp với các mục thanh toán khác, có kỹ thuật chỉ là 1 bước của 1 quy trình hoàn chỉnh… Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dự kiến năm 2023, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm hoàn thiện, ban hành danh mục kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh kèm theo giá và bổ sung các dịch vụ đã thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà chưa đưa vào danh mục giá để tạo điều kiện hoạt động thông suốt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này