Nhiều nghề “hái” ra tiền dịp cận Tết

11:51 | 09/01/2023
(LĐTĐ) Những ngày cận Tết Nguyên đán là khoảng thời gian “hái” ra tiền của một số nghề như: Vận chuyển cây cảnh; kết hoa chơi Tết; sơn sửa nhà, dọn nhà,… Nhiều lao động làm không hết việc và có mức thu nhập tương đối cao, dễ dàng kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Hà Nội vượt hơn 20% kế hoạch năm về giải quyết việc làm Mong ước của công nhân lao động trong những ngày giáp Tết

Thu nhập “khủng” từ dịch vụ vận chuyển cây cảnh ngày Tết

Theo ghi nhận, từ tờ mờ sáng cánh lái xe đã “bày binh bố trận” ở những địa điểm bán đào, quất, lan hồ điệp trên đường Lạc Long Quân, Âu Cơ (quận Tây Hồ, Hà Nội) để chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày mới.

Họ không làm cố định, chủ vườn nào gọi vận chuyển, giá cả hợp lý là đi. Phương tiện vận chuyển đơn giản, người thì dùng xe ba gác, người dùng xe máy, xe tải. Những người không có phương tiện cũng tranh thủ làm chân bốc cây lên xe cho chủ vườn, kiếm thêm thu nhập.

Nhiều nghề “hái” ra tiền dịp cận Tết
Chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết cổ truyền, quất, đào và nhiều loại hoa, cây cảnh khác đã ngập tràn đường phố Hà Nội. Vào thời điểm này, cánh lái xe bận rộn với dịch vụ vận chuyển cây cảnh, thu nhập lên cả triệu đồng mỗi ngày.

Anh Nghị, một lái xe lâu năm ở Hà Nội chia sẻ: “Muốn vận chuyển được nhiều chuyến, tôi phải có mặt ở đây từ 7 giờ sáng, đi giao cây đến tối. Sau khi thương lượng giá cả với nhà vườn, bốc cây lên xe, không kể gần, xa, cứ thế đi giao cây.

Những ngày cuối năm khách đông mới có cơ hội kiếm thêm bù vào thường ngày. Thời điểm đông nhất là khoảng 20 tháng Chạp âm lịch. Khi đó đi cánh lái xe chúng tôi đi không biết mệt mỏi, không thiết ăn uống.

Chi phí vận chuyển thay đổi tùy theo thời gian, độ dài quãng đường, cây to hay cây bé. Có những chuyến chỉ vài trăm nghìn nhưng có chuyến xa, giá lên đến 1 triệu - 2 triệu đồng. Thu nhập cũng từ đó tăng lên, ngày cao nhất là 3 triệu đồng”.

Kết hoa chơi Tết

Cận Tết Nguyên đán 2023, trong các gian hàng trưng bán hoa lan hồ điệp tại Hà Nội, những người thợ có tay nghề cao đang tất bật ngày đêm tạo hình, lên chậu cho hoa với mức thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.

Anh Tiến Mạnh - chủ một shop hoa nằm trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết cửa hàng của anh mới nhập về hơn 20.000 bầu lan.

Nhiều nghề “hái” ra tiền dịp cận Tết
Thợ kết lan là công việc thời vụ nhưng lại có thu nhập cao trong dịp Tết.

Anh Mạnh chia sẻ, xu hướng chơi lan hồ điệp dịp Tết ngày càng tăng bởi ngoài đẹp, màu sắc tươi tắn, bắt mắt thì các chậu lan được thiết kế theo các thế khác nhau với yêu cầu của người chơi. Đặc biệt, lan hồ điệp rất bền, chơi được khoảng từ 2 đến 3 tháng.

“Nhu cầu khách hàng cao, bán ra lượng hoa nhiều nên những công nhân cắm lan, trang trí chậu lan có tay nghề cao có thu nhập rất tốt trong dịp Tết. Dịp này, tôi phải thuê 5 thợ kết lan chính và 5 thợ phụ để thiết kế, tạo hình, cho lan vào chậu để bán cho khách”, anh Mạnh nói.

Với kinh nghiệm 5 năm kết hoa lan, anh Lê Văn Nghĩa cho biết: “Bình thường tôi cắm hoa tươi cho các shop. Dịp Tết, tôi chuyển sang kết lan vào chậu. Mỗi ngày, tôi kết được khoảng 200 - 350 bầu lan vào chậu, mỗi bầu được trả công 20.000 đồng, bình quân thu nhập mỗi ngày khoảng 5 triệu đồng”.

Thợ kết lan chủ yếu làm theo hợp đồng của các chủ shop kinh doanh lan hồ điệp. Đây là công việc thời vụ nhưng lại có thu nhập cao. Trung bình mỗi thợ chính có thu nhập 3 - 5 triệu/ngày, thợ phụ có thu nhập 1-1,5 triệu đồng. Cá biệt, có những thợ vào ngày cao điểm thu nhập lên đến 10 triệu đồng/ngày.

Sơn, sửa nhà làm không hết việc

Như thường lệ, vào dịp cuối năm, các gia đình thường có nhu cầu sửa chữa, trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Vì thế nhu cầu tìm thợ xây dựng, thợ sơn, thợ sửa chữa thiết bị điện tử,... cũng tăng lên. Trong số việc làm cuối năm thì đây là công việc cho thu nhập khá cao. Tuy nhu cầu tăng, nhưng không phải lúc nào các gia đình cũng tìm được lao động làm việc.

Nhiều nghề “hái” ra tiền dịp cận Tết
Vào những ngày cuối năm, những lao động làm nghề sơn, sửa nhà làm không hết việc.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thành (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình anh đang muốn sửa lại phần tường bị ẩm mốc, bong tróc nhưng thời điểm này tìm thợ quá khó. Anh Thành cho biết, chắc có thể sẽ phải đẩy lùi lịch sửa nhà ra ngoài năm.

“Mới có một đơn vị gọi điện báo giá, nhưng họ báo giá 700 nghìn/1 ngày công. Để sửa chữa được bức tường của gia đình phải thuê 2 lao động, làm trong khoảng 3 ngày để đánh mảng bám cũ sau đó mới quét chống thấm, trát xi và sơn vả lại. Mấy bức tường chỉ có diện tích vài 3m2 nhưng chi phí lên tới tới gần chục triệu đồng”, anh Thành chia sẻ.

Trong khi đó, anh Mai Ngọc Huy, chủ một đội sơn ở quận Nam Từ Liêm cho biết, thời điểm cuối năm này nhóm của anh thường xuyên bị quá tải công việc. Anh có đội thợ 15 người nhưng không đủ người để hoàn thành đơn đặt hàng của khách vào cuối năm. “Để phục vụ nhu cầu của khách, các anh em đều phải làm ngoài giờ. Sáng làm việc từ 6 giờ, thậm chí làm việc cả tối, chia ca kíp”.

Theo anh Huy, hiện tại giá trọn gói để sơn 1m2 tường với loại sơn cao cấp là 90 nghìn/1m2; loại sơn trung bình giá 60 nghìn đồng/1m2; 30 nghìn đồng/1m2.

Dọn nhà kiếm tiền triệu mỗi ngày

Năm nào cũng vậy, từ giữa tháng Chạp đến ngày cuối cùng của năm cũ, rất nhiều gia đình ở các quận nội thành Hà Nội muốn thuê dọn dẹp nhà cửa để đón Tết trong ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp. Nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung lao động lĩnh vực này lại chỉ đáp ứng được 30 - 40%.

Vì nhu cầu lớn nên công việc này đã mang lại nguồn thu nhập “khủng” cho những người làm công việc vệ sinh nhà cửa. Càng những người có thâm niên càng nhiều khách quen nên hầu như ai cũng phải “chạy sô” từ sáng sớm đến tối muộn.

Nhiều nghề “hái” ra tiền dịp cận Tết
Vì nhu cầu vệ sinh nhà cửa trong những ngày cận Tết rất lớn nên nhiều người làm công việc dọn dẹp có thu nhập rất cao.

Chị Nguyễn Thị Hiền (quê Thái Bình) - một lao động thường xuyên nhận công việc dọn dẹp nhà cửa cho biết, tiền công một ngày thường của chị khoảng 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Dịp cận Tết tăng lên khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng. “Năm ngoái tôi làm chục ngày kiếm được hơn 20 triệu”, chị Hiền kể.

Từ đầu tháng Chạp, những người làm nghề dọn dẹp nhà cửa như chị Hiền đã bắt đầu tất bật. “Hầu như hôm nào tôi cũng rời nhà lúc 6h sáng và về lúc 11h đêm”, chị Hiền cho biết. Để giữ khách và giữ chữ tín nên chị thường làm việc liên tục, gần như không nghỉ ăn trưa - tối, thay vào đó là tranh thủ ăn bánh ngọt, lương khô hoặc bánh mì. “Thu nhập tính theo giờ, mỗi phút đều là tiền nên phải tranh thủ hết sức có thể”, chị Hiền nói.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này