Nên đầu tư báo chí theo hướng đặt hàng tác phẩm chất lượng cao

17:49 | 07/01/2023
(LĐTĐ) "Bên cạnh việc đầu tư vào các cơ quan báo chí trực tiếp với tinh thần cần tinh chứ không nhất thiết phải đông, chúng ta nên đầu tư theo đặt hàng tác phẩm chất lượng cao...", là phát biểu đáng chú ý của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 7/1 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia Quy hoạch tổng thể quốc gia phải đạt sự chuẩn mực để làm nền tảng cho các quy hoạch vùng, ngành, địa phương

Dẫn nội dung báo cáo nêu "Quy hoạch hình thành lên mạng lưới 20% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn, tích cực trong xã hội để có hỗ trợ phù hợp", đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ hoan nghênh Chính phủ quan tâm đầu tư cho báo chí. Đặc biệt, Chính phủ vừa tổ chức hội nghị về truyền thông chính sách, trong đó xác định một điều rất quan trọng, đó là truyền thông chính sách là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các bộ, ngành chứ không chỉ là nhiệm vụ của riêng các cơ quan báo chí. Đây là một hướng tiếp cận rất tích cực.

“Tuy nhiên, chúng tôi băn khoăn về con số 20% các cơ quan báo chí điện tử lớn có ảnh hưởng được ưu tiên đầu tư này. Vậy 80% các cơ quan báo chí còn lại thì sao, 80% cơ quan báo chí điện tử đấy có quan trọng hay không. Nếu chúng ta phân định như thế này thì dễ dẫn đến sự phân tâm và đầu tư liệu đã hiệu quả. Theo tôi, bên cạnh việc đầu tư vào các cơ quan báo chí trực tiếp với tinh thần cần tinh chứ không nhất thiết phải đông, chúng ta nên đầu tư theo đặt hàng các tác phẩm chất lượng cao”, đại biểu nói.

Nên đầu tư báo chí theo hướng đặt hàng tác phẩm chất lượng cao
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên). (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu dẫn ví dụ về giải "Búa liềm vàng", khi có cuộc thi, có đánh giá, quảng bá thì tự các nhà báo, các phóng viên đầu tư, có những tác phẩm chất lượng. Các cách đầu tư đặt hàng như vậy, theo đại biểu cần phải ưu tiên hơn vì nguồn lực của chúng ta không quá lớn.

Đề cập đến việc khuyến khích sáp nhập, tổ chức lại các cơ quan báo chí của các tỉnh, các bộ, ngành theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng. Hiện nay một số đơn vị như Quảng Ninh đã sáp nhập Trung tâm Truyền thông, Bình Phước sáp nhập báo và đài truyền hình vào là một. Đại biểu cho rằng, cần có đánh giá tác động trước khi có những định hướng lớn như thế này trong sự phát triển của báo chí.

Nếu cơ quan báo chí các tỉnh sáp nhập lại thì trước hết việc xây trụ sở đã tốn kém hàng trăm tỷ đồng ở mỗi cơ quan này, bởi vì bây giờ đài truyền hình riêng, báo riêng, cách vận hành rất khác nhau, nhưng nếu chúng ta ưu tiên thúc đẩy phải là một cơ quan, phải là đa phương tiện theo hướng như vậy thì phải xây dựng trụ sở để cả phát thanh, truyền hình cùng một nơi.

Theo đại biểu nên theo hướng hiện nay các đài phát thanh, truyền hình ở các địa phương đang hết sức khó khăn thì có thể cân nhắc phát triển thành các đài phát thanh truyền hình vùng, hơn là chúng ta sáp nhập báo với đài tỉnh một cách khiên cưỡng.

“Có vẻ như chúng ta bớt được đầu mối, nhưng thực ra không bớt được gì. Bởi vì, cán bộ vẫn như vậy và hiệu quả hoạt động khó khăn hơn, chúng ta đầu tư tiền, cơ sở vật chất trong khi nhiều tỉnh hiện nay đang rất khó khăn”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phân tích.

Nên đầu tư báo chí theo hướng đặt hàng tác phẩm chất lượng cao
Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 7/1. (Ảnh: Quốc hội)

Về trang thông tin điện tử, trong đề án này Chính phủ đã đề xuất là nên tích hợp mạng xã hội và trang thông tin điện tử vào cùng giấy phép, đại biểu cho rằng, như thế là rất hiệu quả. Hiện nay, chúng ta đang yêu cầu mạng xã hội riêng, trang thông tin điện tử riêng dẫn đến là mạng xã hội thì được phép “comment” - bình luận nhưng không được phép đưa các thông tin lên, trong khi đó trang thông tin điện tử thì đưa thông tin lên nhưng không được phép bình luận thì tự hạn chế tác động xã hội, trong khi các mạng xã hội nước ngoài thì không bị chế tài này.

“Hiện nay các cơ quan báo chí đang đưa lên mạng những thông tin của mình nhưng rất lo lắng là vì “comment” của bạn đọc thì không quản lý được. Do đó, hầu hết các cơ quan báo chí phải đóng “comment” lại và nếu đóng “comment” lại, không có ai “comment”, không có ai bình luận vào đó thì bài có thể rất hay nhưng không nổi lên đầu các trang mạng điện tử, ví dụ như Facebook và như vậy thì rõ ràng là sức ảnh hưởng, sự tác động bị hạn chế.

Tôi cũng rất mong cơ quan quản lý báo chí quan tâm đến vấn đề này, chúng ta hãy cạnh tranh những thế mạnh, đưa thông tin lên mạnh mẽ và sẵn sàng “comment” đa chiều để có sự cạnh tranh tích cực hơn. Tôi nghĩ rằng đã lên mạng xã hội thì cũng phải có những phương thức linh hoạt hơn”, ông Nghĩa nói.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này