Nâng cao hiểu biết về tôn giáo cho cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động

15:55 | 04/01/2023
(LĐTĐ) Từ 14.097 tác phẩm gửi dự thi ở các cấp Công đoàn, Ban Tổ chức Cuộc thi “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu giá trị tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội” đã lựa chọn được 39 tác phẩm xuất sắc và 11 đơn vị có thành tích đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trao thưởng.
Công đoàn tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội Nâng cao nghiệp vụ tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo và giảm nghèo thông tin cho cán bộ Công đoàn Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để các cơ sở tôn giáo hoạt động đúng pháp luật

Cuộc thi “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu giá trị tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội” được Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức với mục đích nhằm nâng cao kiến thức về tôn giáo, tín ngưỡng, những giá trị tích cực, có ý nghĩa giáo dục của tín ngưỡng, tôn giáo cho đoàn viên, người lao động.

Thông qua Cuộc thi, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và đoàn viên, người lao động trong công tác thông tin, tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo, công tác tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của đoàn viên, người lao động đối với Đảng, Nhà nước về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nâng cao hiểu biết về tôn giáo cho cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động
Các tác phẩm dự thi gửi về Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Kết quả, sau hơn 3 tháng phát động, Cuộc thi đã thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia, phần lớn các bài dự thi tập trung vào các nội dung: Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; những đóng góp của tôn giáo, những giá trị tích cực, có ý nghĩa giáo dục của tín ngưỡng, tôn giáo đối với đời sống xã hội; gương cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động vượt khó sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập, công tác; những mô hình, điểm sáng trong công tác thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…

Cuộc thi đã góp phần khẳng định vai trò của giai cấp công nhân, của tổ chức Công đoàn trong việc phát huy những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo; các biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân, như hoạt động tôn giáo trái pháp luật, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đối với xã hội; khẳng định vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đồng bào có đạo.

Theo đánh giá, Cuộc thi được triển khai nghiêm túc ở các cấp Công đoàn, đã thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống Công đoàn. Những đơn vị tiêu biểu, tổ chức phát động, thu hút được đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia Cuộc thi là: LĐLĐ thành phố Hà Nội 3.152 tác phẩm; LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh 3.268 tác phẩm, LĐLĐ tỉnh Quảng Bình 2.566 tác phẩm; LĐLĐ tỉnh Bắc Kạn 715 tác phẩm…

Nhiều đoàn viên, người lao động đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc Việt Nam; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đề xuất các giải pháp thực hiện công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở các cấp Công đoàn. Nhiều tác phẩm dự thi có nội dung, thông tin phong phú, sâu sắc, nêu lên được những giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội, có liên hệ thực tế và đầy đủ những nội dung theo yêu cầu của Cuộc thi.

Điển hình là tác phẩm “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước” của tác giả Lê Thị Hợp được trình bày, bố cục hợp lý, nội dung phong phú, sinh động, như một công trình nghiên cứu khoa học về tín ngưỡng, tôn giáo (tác phẩm gồm 500 trang, có ảnh minh họa) gồm 20 chủ đề về các nội dung: Tôn giáo, tín ngưỡng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam phát huy giá trị tín ngưỡng, tôn giáo…

Tác phẩm của tác giả Nguyễn Đức Át được đầu tư nghiên cứu công phu, chi tiết, cụ thể, hình thức đẹp, trình bày khoa học, rõ ràng, logic, nhiều ảnh minh họa…

Đánh giá về Cuộc thi, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Cuộc thi được tổ chức nghiêm túc và bài bản, đạt được những mục tiêu, yêu cầu đề ra, nêu bật những nội dung cần tuyên truyền, tìm hiểu về giá trị tín ngưỡng, tôn giáo trong giai đoạn hiện nay theo Kế hoạch Cuộc thi.

Cuộc thi nhận được sự quan tâm sâu sắc và hưởng ứng, tích cực của các cấp Công đoàn và đoàn viên, người lao động. Thông qua Cuộc thi đã góp phần tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, người lao động về những giá trị tích cực, có ý nghĩa giáo dục của tín ngưỡng, tôn giáo đối với đời sống xã hội; phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và đoàn viên, người lao động trong công tác thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cuộc thi, ngoài ý nghĩa giáo dục, nâng cao hiểu biết về tôn giáo của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ còn định hướng những giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội, giúp cho đoàn viên, người lao động sống "tốt đời, đẹp đạo", có lòng tin vào cuộc sống, an tâm làm việc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Kết quả đạt được của Cuộc thi khẳng định việc Chính phủ phê duyệt Đề án dân tộc và tôn giáo là rất cần thiết, đúng đắn và phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đoàn viên, người lao động trong tình hình hiện nay. Đây chính là kết quả lớn nhất, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc nhất mà Cuộc thi đã thu hái được", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm nhấn mạnh.

Cuộc thi năm nay có 14.097 tác phẩm dự thi từ 63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn. Sau khi các đơn vị chấm chọn, đã gửi 552 tác phẩm về dự thi cấp Tổng Liên đoàn.

Ban Giám khảo, Tổ thư ký Cuộc thi đã thực hiện thẩm định, sơ loại về nội dung, bố cục, hình thức các tác phẩm đủ điều kiện tham gia các vòng chấm chọn. Từ 552 tác phẩm được lựa chọn dự thi cấp Tổng Liên đoàn, Ban Giám khảo đã chấm loại vòng sơ khảo và chọn được 100 tác phẩm vào chấm vòng chung khảo. Tiếp đó, Ban Giám khảo đã chấm lựa chọn được 39 tác phẩm tốt nhất và 11 đơn vị có thành tích đề nghị trao giải thưởng gồm:

- Giải tập thể: 11 giải thưởng cho các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tổ chức tốt cuộc thi và có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt. Trong đó: 1 giải Nhất trị giá 7 triệu đồng; 2 giải Nhì trị giá 5 triệu đồng/giải; 3 giải Ba trị giá 3 triệu đồng/giải; 5 giải Khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải.

Giải cá nhân: Ngoài Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi của Tổng Liên đoàn, Ban Tổ chức trao: 1 giải Nhất trị giá 5 triệu đồng; 3 giải Nhì trị giá 3 triệu đồng/giải; 5 giải Ba trị giá 2 triệu đồng/giải; 30 giải Khuyến khích trị giá 1 triệu đồng/giải.

Tổng giá trị giải thưởng bằng tiền mặt là 90 triệu đồng.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này