Làng trầu "tiến vua" tất bật vào vụ Tết

22:19 | 03/01/2023
(LĐTĐ) Trầu "tiến vua” mang hương vị đặc trưng khác biệt, lá trầu dày cay, giòn, thơm ngon nức tiếng, được cánh thương lái và người tiêu dùng săn mua để làm đồ lễ mỗi dịp xuân về. Những lá trầu ngon ấy được tuyển chọn từ làng trồng trầu thôn Văn Sơn (xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Làng hoa Tây Tựu: Đắt hàng trước ngày Tết Dương lịch Hà Tĩnh: Làng hoa Bắc Sơn tất bật chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Làng hoa vào vụ Tết

Những ngày này ở vùng quê ven biển tiết trời đang chuyển đợt rét lạnh buốt, nhưng người trồng trầu không tại thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn vẫn miệt mài, chăm chỉ bên những luống trầu xanh mướt. Bởi càng cận Tết Nguyên đán trầu không lại càng đắt khách, giá cũng vì thế mà tăng lên.

Mặc dù cây trầu cho thu hoạch quanh năm, song tháng Chạp vẫn là thời điểm được bà con trồng trầu mong chờ, bước vào giai đoạn thu hoạch trầu lá để bán phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Làng trầu
Ở xã Đỉnh Bàn có trên 100 hộ dân trồng trầu với diện tích hơn 2,5ha. (Ảnh: Doãn Đạt)

Gia đình ông Phạm Công Nhớ (ở thôn Văn Sơn) chia sẻ: Gia đình ông trồng hơn 360 gốc trầu, trầu bán quanh năm, nhưng để tuyển chọn những lá trầu đẹp, ngon… để "tiến vua" thì những ngày này người dân tại làng trầu đang nhộn nhịp lắm. Bà con tranh thủ chăm sóc, lựa chọn hái trầu lá bán cho khách đi lễ vào dịp cuối năm.

Tại Hà Tĩnh người dân khi dâng lễ vật cúng bái trên mâm cỗ đều phải có trầu cau, đây là nét đẹp văn hóa trong phong tục tại địa phương, để có được lá trầu đẹp, giòn, ngon thì hầu như gia đình nào cũng trồng riêng cho mình 1 cây, nhưng đối với người dân thôn Văn Sơn thì lựa chọn trồng cây trầu để phát triển kinh tế, phục vụ khách hàng.

"Trong vườn trâu mà gia đình trồng thì ngày nào cũng có trầu lá bán, bình quân mỗi ngày gia đình thu nhập khoảng 80.000 đồng, ngày nhiều thì hơn 100.000 đồng. Những ngày cận Tết vườn trầu của gia đình cho thu nhập từ 1 triệu đồng đến gần 2 triệu đồng/ngày", ông Nhớ cho biết thêm.

Đang tỉ mẩn chăm sóc, gia cố giàn trầu, ông Phạm Công Thi chia sẻ: “Để có những lá trầu đảm bảo chất lượng, người trồng phải chăm tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3-5 lá. Cây trầu thích hợp bón phân chuồng, phân vi sinh, chứ không bón phân hóa học và phun thuốc, vùng đất trồng trầu không được ngập nước, nhưng cũng không thể thiếu nước. Khi thấy thời tiết nắng nóng hoặc gió nhiều thì làm giàn che bóng mát, che gió và kết hợp với tưới nước, bón phân thì cây trầu sẽ phát triển tốt. Ngoài ra, chủ động ủ gốc để giữ ấm cho cây về mùa đông”.

Làng trầu
Ông Phạm Công Nhớ bên vườn trầu của gia đình. (Ảnh: Doãn Đạt)

Theo các hộ trồng trầu có kinh nghiệm lâu năm cho biết: Cây trầu thuận lợi cho việc phục vụ Tết, vì trầu lá sinh trưởng tốt kể cả mùa nắng như mùa mưa, ở vùng đất cát phù sa như xã Đỉnh Bàn so với những loại cây trồng khác thì cây trầu vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Chi phí đầu tư ít nhưng thu nhập ổn định quanh năm. Trầu thường được bán thành từng xấp 50 lá, với giá 5.000 đồng/xấp vào những ngày bình thường, còn dịp Tết, ngày lễ giá trầu có thể tăng lên gấp 3, gấp 4 lần.

Toàn xã Đỉnh Bàn hiện có trên 100 hộ dân trồng trầu với diện tích hơn 2,5ha. Tuy nhiên, thôn Văn Sơn vẫn là nơi được trồng nhiều nhất. Bà Hòe - bán trầu, cau tại chợ tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Trầu không ở xã Đỉnh Bàn nổi tiếng thơm ngon với lá trầu dày, vị cay nồng đặc trưng, từng được ví là trầu "tiến vua" nên mọi người rất ưa chuộng và luôn tìm mua. Tôi bán trầu, cau tại chợ này lâu năm nhưng đều nhập trầu lá từ Đỉnh Bàn về bán, khách hàng ăn trầu quen rồi nên thường xuyên đến đặt ăn hoặc gia đình có công việc cưới hỏi, ma chay… để về làm lễ. Đối với dịp Tết Quý Mão này tôi đã liên hệ với 2 chủ vườn cung ứng hàng cho mình”.

Về làng quê những ngày cuối năm sẽ dễ dàng bắt gặp nụ cười của người dân hái trầu, những người phụ nữ cùng ngồi quanh đống trầu để xếp lá, phân loại. Sau đó, đếm cho thương lái chở đi những nơi xa để tiêu thụ như: chợ Thành phố Hà Tĩnh, chợ Vườn Ươm (Thành phố Hà Tĩnh) và các huyện lân cận.

Làng trầu
Trầu lá "tiến vua" ở xã Đỉnh Bàn được khách hàng tin tưởng mua về dùng mỗi khi gia đình có lễ (Ảnh: Doãn Đạt)

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đỉnh Bàn, cho biết: “Hiện trên địa bàn đang có hơn 100 hộ dân làm nghề trồng trầu, trong đó chủ yếu tập trung ở thôn Văn Sơn và một số thôn lân cận. Đây cũng là loại cây mang lại cho người dân nơi đây một nguồn thu nhập ổn định, giải quyết được công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Thời điểm này, các hộ đều đang hái lứa sớm và dồn sức chăm sóc để thu được hiệu quả kinh tế cao nhất vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sắp tới.

Hướng đến sản phẩm tốt, đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, địa phương đã thành lập Hợp tác xã trầu không “tiến vua” với 30 hộ tham gia bước đầu phát huy hiệu quả. Để khuyến khích sản xuất, xã hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, máy bơm nước, vòi tưới...

Với truyền thống lâu năm, chất lượng trầu thơm ngon nức tiếng, làng trồng trầu không thôn Văn Sơn đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là nghề truyền thống Việt Nam.

Là một trong những làng trầu hiếm hoi được công nhận làng nghề truyền thống, với người dân nơi đây, trầu “tiến vua” không chỉ là một loại cây trồng giúp người dân thoát nghèo bền vững mà còn là “hồn cốt” của mảnh đất và con người Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này