Hà Nội: Tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe

16:52 | 02/01/2023
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi thành phố Hà Nội”.
Hướng tới nền hành chính phục vụ để phòng chống tham nhũng, tiêu cực Lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm, chúc mừng Bộ Tư lệnh Thủ đô Đổi mới công tác tuyên truyền, khơi dậy khát vọng Hà Nội vươn lên trở thành trung tâm phát triển

Chỉ thị nêu rõ: Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tiếp tục thực hiện tốt công tác người cao tuổi và phát huy vai trò của tổ chức hội người cao tuổi các cấp, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Thành phố về vị trí, vai trò của người cao tuổi và công tác người cao tuổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Hà Nội: Tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe
Tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội. (Ảnh minh họa)

Xác định công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nghĩa vụ, niềm vui, hạnh phúc của từng gia đình, từng cá nhân công dân.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác người cao tuổi; đưa công tác người cao tuổi vào chương trình làm việc thường xuyên trong công tác vận động quần chúng, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thành phố liên quan đến công tác người cao tuổi và Hội Người cao tuổi.

Các cấp, các ngành đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nội dung, phương thức và các loại hình chăm sóc người cao tuổi; xây dựng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế của mạng lưới lão khoa; hỗ trợ đầu tư đối với các cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội; nghiên cứu, tổ chức thí điểm mô hình sinh kế phù hợp với người cao tuổi.

Cần quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức hội người cao tuổi các cấp hoạt động có hiệu quả; tích cực tổ chức các phong trào, hoạt động thiết thực bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ, tạo điều kiện để người cao tuổi nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội; tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, sức lực trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người cao tuổi, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội và dân tộc Việt Nam về kính trọng, yêu thương, chăm sóc người cao tuổi.

Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố, quận, huyện, thị xã, Hội Người cao tuổi ở cơ sở chú trọng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động; phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi”; xây dựng, phát triển mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, phát huy khả năng của người cao tuổi “Tự vận động, tự chăm sóc bản thân”, tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này