Điểm sáng phục hồi kinh tế Thủ đô năm 2022

12:21 | 01/01/2023
(LĐTĐ) Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức của năm 2022, thành phố Hà Nội đã nỗ lực vượt khó ghi dấu ấn trong hoạt động kinh tế - xã hội với kết quả ấn tượng. GRDP năm 2022 tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7-7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP Đổi thay ở làng "cái bang"

GRDP cao nhất trong nhiều năm

Ngay từ đầu năm 2022, Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn tạo động lực cho ngành dịch vụ phát triển; ưu tiên khôi phục hoạt động văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Cùng với việc tổ chức thành công SEA Games 31 tại Hà Nội và Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X đã tạo động lực cho ngành dịch vụ nói riêng và góp phần vào mục tiêu tăng trưởng. Nhờ đó, kinh tế - xã hội Thành phố phục hồi tích cực và đạt kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Đó là hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế phục hồi với mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo. Thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Điểm sáng phục hồi kinh tế Thủ đô năm 2022
Năm 2022, kinh tế - xã hội Thủ đô đạt nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt hơn 332.000 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội năm 2022 tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7-7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây, thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân Thủ đô trong thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điểm sáng kinh tế Thủ đô còn thể hiện ở hầu hết các lĩnh vực khác. Khu vực dịch vụ năm 2022 ước tính tăng 10,06% so với năm 2021, đóng góp 6,44 điểm % vào mức tăng GRDP. Trong năm, các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, văn hóa, thông tin… được đẩy mạnh trong trạng thái bình thường mới, tạo đà phục hồi ngành thương mại, dịch vụ. Thành phố đã tăng cường thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, phát triển các loại hình kinh doanh đa dạng, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hướng đến thị trường tiêu dùng thông minh, đồng thời kết nối nhanh hơn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, phát triển các loại hình kinh doanh đa dạng đồng thời kết nối nhanh hơn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong bức tranh kinh tế chung, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so với năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021 (năm 2021 tăng 2,2%).

Hà Nội thu hút 1,692 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 10,3% so với năm 2021. Trong đó, đăng ký cấp mới 365 dự án với số vốn đạt 233 triệu USD; có 202 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 834 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 388 lượt với số vốn đạt 625 triệu USD, tăng 83,8%.

Điểm sáng phục hồi kinh tế Thủ đô năm 2022
Hà Nội ghi dấu ấn với bạn bè quốc tế khi tổ chức thành công SEA Games 31.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Vốn đầu tư phát triển năm 2022 tăng 13,8% so với năm 2021. Trong đó có 213 dự án đã xử lý, 191 dự án còn lại phân thành 9 nhóm, phân công các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện.

Đồng thời, Thành phố đã triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích với tổng mức vốn 49.203,4 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo thực hiện 1.469 dự án. Giai đoạn 2021 - 2022, Thành phố đã có 143 trường học công lập được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia; 150 cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp; 181 di tích được tu bổ, tôn tạo; 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt; 114 di tích cấp quốc gia; 63 di tích cấp Thành phố.

Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021. Thành phố cũng đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch; hỗ trợ trên 1.400 hộ thoát nghèo, 6.670 hộ thoát cận nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân…

Động lực để phát triển

Những chỉ số tăng trưởng là những con số ấn tượng, minh chứng cho sức sống kinh tế Thủ đô và là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng thời gian tới. Năm 2023, căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp, tại Kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, Thành phố xây dựng 3 kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng 7% (gấp 1,08 lần cả nước) là phù hợp và có tính phấn đấu. Hà Nội đặt mục tiêu thực hiện 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó GRDP tăng khoảng 7,0%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%.

Điểm sáng phục hồi kinh tế Thủ đô năm 2022
Công nhân lao động đặt niềm tin vào một năm mới có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Về vấn đề về chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, năm 2023, UBND Thành phố xác định tiếp tục chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quan tâm chỉ đạo các đơn vị đổi mới tư duy đặc biệt là phương pháp làm việc. Tiếp tục tăng cường đào tạo và đào tạo lại nhất là kỹ năng theo vị trí việc làm.

Thành phố cũng sẽ chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có giải pháp cụ thể đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn để tạo nguồn thu, đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cần phải thực hiện nghiêm, khi có nguồn thu mới tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện dự án để tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đồng thời, Thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối liên vùng, các tuyến đường vành đai để tạo ra không gian phát triển mới, bố trí sắp xếp lại không gian phát triển mới và tạo ra nguồn lực mới. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng sản xuất kinh doanh: các khu, cụm công nghiệp; trung tâm thương mại, dịch vụ; khách sạn cao cấp; các trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng...

Thành phố cũng dồn lực tăng tốc cải cách, phấn đấu cải thiện thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đơn giản hóa và giảm thời gian thực hiện thủ tục thuế, hải quan, các nghĩa vụ của doanh nghiệp bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho doanh nhân cũng như thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo...

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ ưu đãi về thuế, phí, tín dụng...

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này