Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”:

Khẳng định phẩm giá, khí phách người Hà Nội

09:20 | 29/12/2022
(LĐTĐ) Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là bản hùng ca bất diệt, một kỳ tích của sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Riêng với Thủ đô, chiến thắng này trở thành biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sống nghĩa tình, nhân ái, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Bắt đầu từ nêu gương!

“Thăng Long phi chiến địa, Thiên hạ vạn đại xương”. Câu nói ngụ ý rằng, Thăng Long - Hà Nội là kinh đô, là trái tim của Tổ quốc. Bất kỳ kẻ thù nào nhòm ngó đất nước ta đều nhắm tới mảnh đất địa linh này. Và khi đất nước nguy nan, tinh thần Thăng Long lại ngời sáng cùng những trận quyết chiến có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh dân tộc. Có thể kể ra ở đây như trận Đông Bộ Đầu năm 1258, Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789, Hà Nội mùa Đông năm 1946... và đặc biệt là cuộc đối đầu lịch sử trên bầu trời Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972.

Khẳng định phẩm giá, khí phách người Hà Nội
Ảnh tư liệu về Đội tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ luyện tập sẵn sàng chiến đấu (1972). Ảnh: TTXVN

Trong đau thương mất mát, Hà Nội luôn thể hiện bản lĩnh phi thường, sự điềm tĩnh đến kinh ngạc. Và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã biến thành thành “bức tường” của ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, hóa thân vào “Rồng lửa Thăng Long” quật đổ pháo đài bay B-52. Hà Nội trở thành biểu tượng của lương tri nhân loại, của phẩm giá con người.

Trong đó, trận địa tên lửa Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là nơi tiểu đoàn 77, trung đoàn 257, sư 361 - Đoàn phòng không Hà Nội từng chiến đấu và bắn hạ 4 chiếc B52 cách đây tròn nửa thế kỷ. Đây chính là nơi bắn hạ nhiều Pháo đài bay nhất trong suốt 12 ngày đêm quân và dân Hà Nội chiến đấu và chiến thắng B-52. Tại đây, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng đài radar P.35, Trung đoàn 291, là người đầu tiên phát hiện ra B-52 đánh phá Hà Nội.

Trong chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, Đại tá Nghiêm Đình Tích đã cùng đơn vị kịp thời xác định và thông báo các tốp B-52 ở phía Tây Nam Đồi Si, Đô Lương, Nghệ An ở cự ly hơn 200km, báo động sớm cho Hà Nội 35 phút, để cho nhân dân sơ tán và các lực lượng Phòng không - Không quân chuẩn bị đối phó với “pháo đài bay” B-52, góp phần cùng quân và dân ta làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Theo Đại tá Nghiêm Đình Tích, trong các trận đánh khác, với máy móc thiết bị có hạn, việc phát hiện mục tiêu là các máy bay bình thường đã khó, trong trận đánh này để phát hiện được B-52 - loại máy bay tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ lại càng khó khăn gấp bội. Bởi mỗi lần xuất trận, B-52 của Mỹ không bay một mình mà có hơn chục chiếc máy bay khác bay xung quanh, mục đích là bảo vệ và gây nhiễu để ra-đa của ta không phát hiện được.

Với quyết tâm bằng mọi giá không để bị tập kích bất ngờ, kinh nghiệm đúc rút qua các trận đánh, kinh nghiệm chống nhiễu, đánh máy bay địch từ năm 1967 và nghiên cứu chống nhiễu mới từ năm 1969, Đại tá Nghiêm Đình Tích cùng đồng đội đã xây dựng ra quy trình xử trí, phát hiện B-52 mang tên “Độc đáo, sáng tạo và có một không hai”. Chính quy trình này đã giúp quân đội ta chuẩn bị các phương án, phát hiện và hiệp đồng trong chiến dịch, sẵn sàng đánh B-52.

“Lúc đó chúng tôi có 6 máy thu sóng, nhưng khi B-52 bay trên bầu trời, tất cả sóng máy thu của ta đều bị nhiễu. Bằng kinh nghiệm và sự sáng tạo, chúng tôi chỉ sử dụng 1 máy thu, sử dụng 2 ăng ten trên và dưới hợp lý để chế áp nhiễu. Lúc này, trên màn hình chỉ còn dải nhiễu B-52 rất nhẹ, nổi lên 3 điểm sáng bằng đầu tăm. Tức là chúng tôi đã phát hiện ra B-52. Chúng tôi đã báo chính xác về Hà Nội là B-52 đang kéo vào đánh phá miền Bắc để cho các đơn vị kịp thời chuẩn bị và sẵn sàng ứng chiến”, Đại tá Nghiêm Đình Tích kể lại.

Trong đêm đầu tiên của chiến dịch, ngày 18/12/1972, lực lượng ra-đa đã phát hiện và báo động sớm cho Hà Nội trước 35 phút, tạo điều kiện cho Sở Chỉ huy chiến dịch phán đoán nắm chắc tình hình, sử dụng lực lượng chiến đấu. Các đêm sau đó do đã có kinh nghiệm, việc xác nhận có B.52 vào Hà Nội được chúng tôi cảnh báo sớm hơn, từ 35-50 phút. Vì vậy các cấp chỉ huy có điều kiện chủ động, chỉ huy đánh địch quyết liệt ngay từ những phút giây đầu tiên khi máy bay địch xâm phạm bầu trời Hà Nội.

Trong chiến dịch này, bộ đội Phòng không-Không quân, trước hết là bộ đội ra đa đã không để Tổ quốc bị bất ngờ trước chiến dịch tập kích đường không của địch, tạo điều kiện cho các binh chủng hoả lực đánh thắng B-52, đặc biệt là bộ đội tên lửa. Trong 34 chiếc B.52 bị bắn rơi, bộ đội tên lửa đã bắn rơi 29 chiếc.

Theo Đại tá Nghiêm Đình Tích, chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã mang về thắng lợi có ý nghĩa hết sức to lớn, từ chỗ Mỹ định sử dụng B-52 đánh để biến Hà Nội, Hải Phòng trở về thời kỳ đồ đá, gây hoang mang khủng khiếp cho nhân dân và ép Chính phủ ta phải ký Hiệp định Paris theo điều kiện của Mỹ, thì với thất bại này khiến Mỹ không thể tiếp tục, buộc phải ngừng chiến dịch và phải ký Hiệp định Paris theo điều kiện của ta. Chiến thắng này có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao, là bước ngoặt quan trọng về chiến lược đối với Cách mạng Việt Nam, góp phần hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Năm tháng qua đi nhưng Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi mãi là bản hùng ca bất diệt, là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo; là niềm tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta, quân đội ta, là một trong những chiến công hiển hách trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm giữ gìn và phát huy cao độ truyền thống vẻ vang đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này