Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc: Sẵn sàng chia sẻ dữ liệu

20:38 | 26/12/2022
(LĐTĐ) Ngoài việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch cũng đã sẵn sàng chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu khác.
Hà Nội rà soát, đôn đốc, kiểm tra tiến độ triển khai Đề án 06 Tháo gỡ vướng mắc, thực hiện hiệu quả Đề án 06

Đây là thông tin tại cuộc họp báo quý 4/2022 của Bộ Tư pháp, diễn ra chiều 26/12, do Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Bộ Tư pháp đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ được giao để góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp.

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát, kịp thời góp ý, thẩm định nhiều văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc triển khai Đề án 06.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc: Sẵn sàng chia sẻ dữ liệu
Ông Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì họp báo.

Năm 2022, Bộ Tư pháp đã kết nối thành công thêm 37 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 57 dịch vụ công (tăng gần 200% so với cuối năm 2021). Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục thực hiện quy trình kiểm thử đối với 2 dịch vụ công thuộc lĩnh vực Hộ tịch.

Đồng thời, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm 2 dịch vụ công liên thông: Đăng kí khai sinh - Đăng kí thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng kí khai tử - Xóa đăng kí thường trú - Trợ cấp mai táng phí tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.

Trả lời tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Trung Dũng, Cục Công nghệ thông tin cho biết, thời gian qua, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã nỗ lực thực hiện việc kết nối các cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp và Công an, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này được ngành Tư pháp và Công an thực hiện từ năm 2016 bằng việc Bộ Tư pháp kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an các dữ liệu về khai sinh.

Khi Bộ Công an xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp kết nối Cơ sở dữ liệu hộ tịch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ 1/7/2021, việc kết nối được tiếp tục triển khai, phân loại với đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân. Các đơn vị của Bộ Tư pháp cũng đang kết nối với Bộ Công an các dịch vụ khai thác, cung cấp thông tin về dân cư.

Sẵn sàng chia sẻ dữ liệu

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã kết nối và chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đến nay, có nhiều bước tiến mới.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc: Sẵn sàng chia sẻ dữ liệu
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực trả lời tại cuộc họp báo.

Liên quan đến việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy, ông Hải cho biết, Luật Hộ tịch đã dự báo, triển khai một số hoạt động, gần như đi trước. Từ năm 2017, tất cả các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực của Bộ Tư pháp, trong đó có hộ tịch, đã dự liệu không yêu cầu người dân sử dụng Sổ hộ khẩu, hạn chế thông tin về nơi cư trú. Đến ngày 14/11/2022, qua rà soát và công bố với 37 thủ tục, tất cả đều không sử dụng Sổ hộ khẩu.

“Hiện có 58,1 dữ liệu hộ tịch trong hệ thống, trong đó có 36,3 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 8,1 triệu trẻ em đăng ký khai sinh và cấp số định danh, 4,3 triệu đăng ký khai sinh đã được chuyển sang cơ quan Bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em. Về cơ bản, việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chúng tôi đã sẵn sàng. Ngoài Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chúng tôi cũng đã sẵn sàng chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu khác”, ông Hải cho biết.

Nói về cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn điện tử, theo ông Hải, Bộ Tư pháp đang có dự án đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, giai đoạn đầu đang hình thành cơ sở dữ liệu, là mấu chốt để sau này thực hiện đăng ký kết hôn trực tuyến. Tuy nhiên, với thủ tục kết hôn, sau khi đăng ký kết hôn trực tuyến thì người vợ/chồng vẫn phải đến cơ quan đăng ký để ký trực tiếp, chứ không thể ký qua mạng internet được.

Theo Bộ Tư pháp, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hiện có hơn 58 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, bao gồm: Hơn 36 dữ liệu đăng ký khai sinh, hơn 8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn, gần 6,1 triệu trường hợp đăng ký khai tử và hơn 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này