Bệnh viện Bạch Mai: Chứng nhân của “những ngày bão lửa” vươn mình

07:55 | 22/12/2022
(LĐTĐ) Cùng với phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những địa điểm bị B52 của không lực Hoa Kỳ bắn phá ác liệt nhất và cũng bị tổn thất, đau thương nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ năm 1972. 50 năm đã qua đi, những ngày này các cấp, ngành, người dân, các thế hệ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện lại tập trung tại khuôn viên nơi có tượng đài khắc ghi chứng tích chiến tranh để tưởng nhớ những “chiến sĩ” áo trắng đã nằm xuống dưới những làn bom B52.
Ký ức Khâm Thiên gửi thông điệp hòa bình Xúc động những câu chuyện của “Hà Nội 12 ngày đêm”

Những ký ức không thể nào quên

Trong những ngày “bão lửa” mùa đông năm 1972, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những nơi bị oanh tạc cơ B52 của không lực Hoa Kỳ ném bom khốc liệt nhất. Nhưng bi thương và nặng nề nhất là trận ném bom ngày 22/12/1972. Bom B52 đã rải thảm trúng Bệnh viện khi tại đây có hơn 300 bệnh nhân đang nằm điều trị dưới hầm. Khiến nhiều khu nhà làm việc, phòng khám bị sập, nhiều bệnh nhân, bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện đã bị thương, tử nạn vì bom đạn của Mỹ.

Bệnh viện Bạch Mai: Chứng nhân của “những ngày bão lửa” vươn mình
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đỗ Doãn Đại thắp hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ trong khuôn viên Bệnh viện.

Là một trong những chứng nhân của lịch sử, ông Đỗ Thọ, nguyên Phó trưởng Phòng Hành chính quản trị, người đã đồng hành cùng Bệnh viện Bạch Mai trong cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử chia sẻ: “Sáng 23/12/1972, khi tôi đến bệnh viện thì không còn hình dáng bệnh viện nữa. Lúc đó, chúng tôi tập trung quay vào cứu sập, cứu nạn, cứu đồng đội trong đống đổ nát. Chỗ sập lớn nhất là khu nhà B1. Chỗ đó bị kẹp giữa tảng bê tông. Một chị điều dưỡng đã mất, bị kẹp ở giữa, bên trong vẫn còn người sống. Để mở đường cứu đồng đội phía trong, chúng tôi buộc phải mời một bác sĩ ngoại khoa xuống để tháo khớp chị điều dưỡng đã mất, mới đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài, mở lối vào bên trong cứu đồng đội còn sống. Cảnh tượng vô cùng thương tâm”.

Cũng giống như ông Thọ, 50 năm đã trôi qua, những câu chuyện chiến đấu bảo vệ bệnh viện, cứu chữa bệnh nhân và đồng đội trong giờ phút kinh hoàng khi máy bay B52 của giặc Mỹ ném bom vào Bệnh viện vẫn còn nguyên trong ký ức bà Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1947) - nguyên là Đội phó Đội tự vệ Bệnh viện Bạch Mai.

Nhớ lại thời khắc kinh hoàng, bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ với phóng viên: “Vào lúc 4 giờ ngày 22/12/1972, chúng tôi đang ngủ ở khu tập thể của Bệnh viện thì một loạt bom ném xuống, nhà cửa rung chuyển và đổ sập, gạch ngói, cây cối ngổn ngang. Sau ít phút bàng hoàng, chúng tôi gọi nhau và biết mình còn sống. Ngay sau đó, chúng tôi được biết bom đã đánh sập 2 hầm lớn của Khoa Nội và Khoa Da liễu. Lúc đó, Giám đốc Bệnh viện Đỗ Doãn Đại đã ra lệnh khẩn cấp đào bới trong đống đổ nát để cứu người. Mặc cho trời tối, rét buốt và máy bay địch vẫn còn ầm ầm ném bom ở các vùng lân cận, chúng tôi lao vào tìm kiếm nạn nhân”.

Khi biết trong hầm Khoa Nội và Khoa Da liễu đang có nhiều bác sĩ, nhân viên và bệnh nhân trú ẩn, những người còn lại đã thay nhau dùng tay, cuốc, xẻng để đào bới. Qua những khe nhỏ trên đống đổ nát, họ nghe được những tiếng kêu cứu đến xé lòng. Sau đó, các y bác sĩ, chiến sĩ tự vệ đã thả xuống hầm rất nhiều ống khí oxy để cung cấp không khí cho mọi người, động viên mọi người cố gắng chịu đựng, chờ đợi. Chỗ hầm nào không có khe hở, họ đã phải dùng búa, xà beng, đục bê tông lấy chỗ cho nạn nhân thở.

Cũng theo bà Cúc, trong trận ném bom tàn khốc ngày 22/12/1972, Bệnh viện Bạch Mai đã có nhiều người chết và bị thương. Trong đó, đau thương nhất là sự ra đi của 3 nữ y tá đều còn rất trẻ. Khi hi sinh trên tay họ vẫn còn cầm ống nghe và ống đo nhiệt độ. “Chúng tôi òa khóc khi nhìn thấy thi thể chị Nguyễn Thị Diên đang mang trong mình hài nhi 3 tháng tuổi. Bên cạnh những đau thương mất mát ấy, chúng tôi cũng đã cấp cứu mang lại sự sống cho nhiều người, đó là Giáo sư Lê Kinh Duệ, các bác sĩ Ngô Thị Ninh, Nguyễn Sỹ Hồi, y tá Nguyễn Thị Hạnh và 3 em nhỏ…”, bà Nguyễn Thị Cúc xúc động nhớ lại.

28 nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai đã ngã xuống trong ngày định mệnh đó. Tượng đài tưởng niệm tưởng nhớ 28 nhân viên y tế hy sinh đã được lập lên ngay khu nhà bị sập. Hàng năm, cứ đến dịp lễ lớn, lễ kỷ niệm các ngày trọng đại... các thế hệ hậu bối lại đến thắp hương tưởng nhớ.

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944 - 2022); 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (1989 - 2022); 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1972 - 2022), do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức sáng 21/12, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện cho biết: Ngày bệnh viện bị ném bom, tôi còn chưa ra đời, nhưng qua lời kể của các thế hệ tiền bối, tôi được biết ngày 22/12/1972, bom B52 đã rải thảm xuống Bệnh viện Bạch Mai, gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày khắc phục hậu quả, cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp tục công tác cứu người, đặc biệt là những nạn nhân bị thương nặng do bom B52 rải thảm xuống Khâm Thiên và một số khu vực khác trên địa bàn Hà Nội.

50 năm qua đi, lịch sử đã sang trang mới, lớp lớp các thế hệ cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai từ trong đổ nát của chiến tranh đã từng bước xây dựng lại bệnh viện. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên trong cả nước được công nhận là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt. Theo Giám đốc Đào Xuân Cơ tự hào chia sẻ: Trong thời gian qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên bệnh viện vẫn luôn tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của bệnh viện.

Đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, từng đoàn quân áo trắng với hàng nghìn cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đã lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch. Có thể nói, trong thời bình, các chiến sĩ áo trắng của Bạch Mai đã tiếp nối truyền thống cha ông, cũng xẻ dọc đất nước, tham gia trên mọi trận tuyến để chiến đấu với kẻ thù vô hình - giặc Covid-19. Bên cạnh đó, trước những khó khăn trong thực hiện các cơ chế chính sách, thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế, tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện vẫn luôn cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, nhất là người dân trên địa bàn Thủ đô.

Tại lễ kỷ niệm, ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà bệnh viện đang phải đối mặt, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình mong muốn thời gian tới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống cho cán bộ hưu trí, những nhân chứng sống của lịch sử trong trận ném bom năm 1972. Qua đó gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của Bệnh viện, cũng như ý nghĩa to lớn của chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đồng thời, lãnh đạo Công đoàn Y tế Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Bệnh viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyên môn, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân./.

Nhân kỷ niệm Lễ kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944 - 2022); 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (1989 - 2022); 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1972 - 2022), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thắp hương tưởng niệm tại Đài tượng niệm liệt sĩ trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời trao 288 triệu đồng cho đại diện cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai - chứng nhân lịch sử trận “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này