Công nhân lao động “ngại” khám sức khoẻ định kỳ

23:09 | 15/12/2022
(LĐTĐ) Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, hay còn gọi là khám sức khỏe tổng quát, hiện vẫn chưa được nhiều người quan tâm một cách đúng mực, đặc biệt là công nhân lao động (CNLĐ) tại các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất. Họ chỉ tới bệnh viện khi cơ thể xuất hiện triệu chứng bệnh trở nặng, hoặc khi công ty tổ chức khám định kỳ.
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Chú trọng quan tâm đến sức khỏe người lao động Phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ năm 2022 cho cán bộ, nhân viên Khám sức khỏe định kỳ: Nhiều người lao động sản xuất rau, hoa còn thiệt thòi

Muốn khám bệnh nhưng điều kiện còn khó khăn

Thực tế cho thấy, nhiều CNLĐ chỉ đến các cơ sở y tế khám khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe chứ không tham gia khám sức khỏe định kỳ. Phần lớn CNLĐ e ngại đi khám phát hiện ra bệnh, nên không đi, khi có dấu hiệu bệnh hoặc trở nặng thì mới nhập viện chữa trị.

Là người “ngại gặp bác sĩ”, chị P.T.H.C., công nhân một công ty chuyên sản xuất giày da tại KCN tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Tôi thấy mình khoẻ, cũng không có dấu hiệu đau ốm gì, trong khi công việc của tôi khá bận rộn, rất ngại xin nghỉ vì sợ ảnh hưởng đến khâu sản xuất. Mặt khác, tới cơ sở y tế ngại nhất là thủ tục và tốn thời gian chờ đợi nên bình thường tôi hiếm khi quan tâm đến khám sức khoẻ định kỳ chứ ai chẳng mong có một sức khỏe thật tốt để làm việc, lao động sản xuất”, chị C. nói

Trong khi đó, nhiều CNLĐ tại KCN tỉnh Bình Thuận cho rằng, mặc dù được công ty trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ để làm việc nhưng do phải thường xuyên làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại nên sức khỏe của họ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Khám sức khỏe định kỳ là quyền lợi mà CNLĐ được hưởng
Khám sức khỏe định kỳ là quyền lợi mà CNLĐ được hưởng

Trong số đó, nhiều trường hợp là các nữ CNLĐ còn thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản nên thường mắc các bệnh phụ khoa. Dù nhận thức được điều đó, nhưng với tâm lí ngại xin nghỉ sẽ bị trừ lương và sợ tốn kém thêm chi phí nên các nữ CNLĐ này vẫn đi làm bình thường và để bệnh tự khỏi.

Theo thống kê từ Công đoàn KCN tỉnh Bình Thuận, tiền lương bình quân của người lao động trong các KCN là 6,2 triệu đồng/tháng nên nếu phải chi trả thêm tiền thuốc men thì CNLĐ không còn dư dả kinh phí để trang trải cuộc sống.

Vì vậy, có trường hợp CNLĐ thường tự lên mạng tra google về các dấu hiệu bệnh của mình rồi tự ra nhà thuốc mua thuốc về uống hoặc mượn đơn thuốc của người có triệu chứng tương tự để điều trị mà không cần đến bệnh viện. Việc tự ý chữa trị sẽ gây ra hiệu quả nghiêm trọng khiến CNLĐ “tiền mất tật mang”, thậm chí còn khiến bệnh tiến triển nặng thêm.

Khám sức khỏe định kỳ quan trọng ra sao?

Sức khỏe của người lao động đóng vai trò quan trọng quyết định tiến độ, năng suất làm việc của người lao động và tỷ lệ thuận với hiệu quả kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

Để góp phần xóa tan tâm lý “CNLĐ ngại khám bệnh”, thời gian qua, Công đoàn KCN tỉnh Bình Thuận đã tổ chức các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, CNLĐ về tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ, đồng thời, trực tiếp triển khai nhiều mô hình khám chữa bệnh nhằm chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ.

Ông Trần Duy Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn KCN tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện có 36 doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở (CĐCS) tại KCN với 10.213 CNLĐ, trong đó có 9.362 đoàn viên.

Do phải làm việc trong môi trường độc hại nên CNLĐ rất dễ bị bệnh nghề nghiệp nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ý thức chăm sóc sức khỏe không cao nên họ không coi trọng việc khám sức khỏe một cách thường xuyên.

Cũng theo ông Thanh, nhằm thể hiện sự chăm lo đối với đoàn viên, CNLĐ của tổ chức Công đoàn, giúp họ hiểu thêm về tình trạng sức khỏe của mình, từ đó biết cách chăm sóc phù hợp, đảm bảo sức khỏe phục vụ lao động sản xuất và chăm lo cho gia đình tốt hơn. Công đoàn KCN tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Ban Tuyên giáo - Nữ công thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận cùng các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thực hiện mô hình “Sức khỏe của bạn”, để khám và tư vấn sức khỏe cho 86 nữ đoàn viên, CNLĐ thuộc Công ty TNHH Quốc tế Right Rich và Công ty TNHH Kim Đô tại KCN.

“Ngoài việc tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức việc khám sức khỏe thường xuyên cho đoàn viên, CNLĐ, tôi cho rằng các KCN cần được thành lập Trung tâm y tế cho công nhân để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho họ”, ông Thanh nói.

Thời gian qua, Công đoàn KCN tỉnh Bình Thuận đã có nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo sức khỏe cho đoàn viên, CNLĐ.
Thời gian qua, Công đoàn KCN tỉnh Bình Thuận đã có nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo sức khỏe cho đoàn viên, CNLĐ.

Theo Bà Đoàn Thị Mỹ Thạch, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Quốc tế Right Rich (KCN tỉnh Bình Thuận) cho biết, vì công việc thường ngày bận rộn nên các CNLĐ không có thời gian đi kiểm tra, tầm soát sức khỏe thường xuyên.

Do đó, CĐCS thường xuyên tham mưu cho Ban Lãnh đạo Công ty tổ chức khám bệnh định kỳ cho đoàn viên, CNLĐ hằng năm. Cụ thể, thực hiện khám 1 lần/năm đối với lao động làm công việc bình thường, 2 lần/năm đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại và có gói khám riêng đối với lao động nữ.

Đồng thời, phối hợp với Công đoàn KCN tỉnh Bình Thuận triển khai thêm nhiều chương trình phúc lợi nhất là các chương trình về ưu đãi khám sức khỏe: “Thông qua những hoạt động này sẽ giúp đoàn viên, CNLĐ có cơ hội tầm soát bệnh tật, nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe của bản thân cũng như của doanh nghiệp về tình trạng sức khỏe của người lao động. Các đoàn viên, CNLĐ rất hài lòng và ghi nhận chương trình thiết thực, ý nghĩa này của tổ chức Công đoàn”, bà Thạch cho biết.

Hương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này