Ghi ở công trình thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) sau ngày xảy ra sự cố

23:54 | 22/12/2014
Trưa nay, ngày 22/12, toàn bộ nạn nhân vụ sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã được xuất viện, riêng chị Đặng Thị Hồng Ngọc vẫn cùng chồng ở lại để được tiếp tục theo dõi sức khỏe.

Trao đổi với phóng viên Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết, sức khỏe của các bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục và 11 người sẽ xuất viện trưa nay.

Tận mắt chứng kiến niềm vui, nụ cười rạng rỡ của 12 nạn nhân cũng như các bác sỹ, hộ lý của Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng mới hiểu tìm cảm, sự chia ly lưu luyến của những người bệnh với các CBCNV của bệnh viện cho dù những ngày qua là không ai mong muốn.

Cũng trong chiều nay, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì cuộc họp báo sau vụ tai nạn tại công trình thủy điện Đạ Dâng. Bài học kinh nghiệm được rút ra sau sự cố là: Ứng phó sự cố chuyên nghiệp và có sự phối hợp thống nhất một cách nhịp nhàng;  lực lượng cứu hộ đã đề xuất các biện pháp ứng cứu phù hợp với điều kiện thực tế khắc nghiệt của thời tiết, mặt bằng chật hẹp; thực hiện phương châm 4 tại chỗ hiệu quả.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, nhiều công nhân có mặt trên công trường cho biết, lúc cao điểm công trường có tới gần 1000 người, người trực tiếp cứu viện thì ít, người đến xem thì nhiều. Quá nhiều lực lượng cùng chỉ huy khiến công việc rối ren. Chỉ đến khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao quyền quyết định cho lực lượng công bình thì hiệu quả của việc cứu viện mới nhanh chóng.

Theo những người bị nạn, ngay báo chí cũng phản ánh chưa đúng gây hoang mang thậm chí hoảng loạn cho người thân. Đơn cử như việc đưa tin nước ngập đến cổ hay tình trạng hoảng loạn la hét, khóc lóc trong hầm đều sai sự thật. Lúc cao điểm nhất mực nước cũng chưa tới 1 mét, ngay ngày thứ 2 đã được khoan nên nước rút chỉ còn dưới bắp chân. Anh em chỉ phải lội ra để lấy nước, cháo, sữa tiếp tế, còn lại đều ngồi trên máy bơm bê tông cao nên không ai bị ngâm nước. Khi đọc thư của ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng gửi vào, chúng tôi muốn viết trả lời lắm, nhưng vì giấy bị ướt nên không thể viết được.

Anh Phạm Xuân Đăng, sinh năm 1964 quê ở Vĩnh Phúc người có thâm niên lâu nhất với nghề thủy điện cho biết, anh trưởng thành từ thủy điện Sông Đà, đã tham gia nhiều công trình nên rất hiểu và thương đồng đội mình những ngày cứu viện vất vả vừa qua. Vì thế ra viện anh không về nhà như tất cả mọi người mà quay trở lại ngay công trường.

Hầu hết các bạn trẻ quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định cho biết, họ sẽ trở về nhà một thời gian, rồi mới quyết định có quay trở lại công trường hay không. Trong số 12 nạn nhân, có nhiều người là lao động phổ thông, mới vào công trường, có người đi làm chưa được một tháng.

Ngay chị Đặng Thị Hồng Ngọc cũng không phải là công nhân đào hầm, bởi Luật lao động không cho phép lao động nữ làm công việc nặng nhọc này. Chồng chị Ngọc là Đội trưởng quản lý tốp công nhân ở đây nên chị theo chồng vào làm cấp dưỡng. Hôm xảy ra tai nạn chị đem cơm vào cho thợ và tham gia dọn dẹp mặt bằng trong hầm, không may gặp nạn.

Được biết, trong những ngày qua, có nhiều tổ chức, cá nhân đã đến thăm, động viên và tặng quà cho 12 nạn nhân bị nạn trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Theo các bác sỹ ở Viện Đa khoa Lâm Đồng, tính đến ngày 22/12, trung bình mỗi nạn nhân vụ sập hầm đã được giúp đỡ trên 100 triệu đồng.

Dưới đây là một số hình ảnh công trường thủy điện Đạ Dâng sau ngày xảy ra sự cố: 

55764

55765

55763

55760

55762

55761

55758

55767

Và đây là những hình ảnh của bạn bè, người thân, nhà tài trợ cũng như y bác sỹ trong giờ phút chia tay với 12 nạn nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng

55774

55775

Thu Hương

55777

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này