Hà Nội bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh

18:24 | 08/12/2022
(LĐTĐ) Tính đến hết năm 2022, dự kiến dân số Hà Nội trung bình đạt khoảng 8,4 triệu người (chiếm khoảng 8,4% dân số cả nước). Đặc biệt, thành phố đã bước đầu kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.
Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh: Thay đổi từ nhận thức Nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Ngày 8/12, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Mỹ Đức tổ chức lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số, kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12), với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”.

Hà Nội bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương phát biểu tại lễ mít tinh.

Theo thông tin được đưa ra tại lễ phát động, từ năm 1961 đến nay, dân số Việt Nam tăng gấp hơn ba lần, từ 30,2 triệu lên 96,2 triệu người, thấp hơn nhiều so với các dự báo trước đây. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã từ 6,3 con giảm xuống còn 2,09 con. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% xuống 1,04%.

Cùng với cả nước, công tác dân số của Thủ đô đã đạt được những thành tựu đáng kể. Cụ thể, tính đến hết năm 2022, dự kiến dân số trung bình đạt khoảng 8,4 triệu người (chiếm khoảng 8,4% dân số cả nước). Ngoài ra, toàn Thành phố đã đạt mức sinh thay thế, số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con. Đặc biệt, Thành phố đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh; tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) năm 2022 ước đạt 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái.

Bên cạnh đó, chất lượng dân số Thủ đô cũng từng bước được nâng cao. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ sàng lọc trước sinh toàn thành phố ước đạt 82%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 86%. Ngoài ra, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng như: Mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân...

Hà Nội bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh
Tuyên truyền, cổ động về nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời gian qua, công tác dân số trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác dân số đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới.

Do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng. Tỷ lệ sinh con thứ ba có giảm nhưng chưa ổn định, chất lượng dân số còn chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Thêm vào đó, tỷ số giới tính khi sinh của Thành phố có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao… Mặt khác, già hóa dân số đang là một thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi...

Để thực hiện có hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến rõ nét, chất lượng và sự ổn định trong công tác dân số, theo ông Vũ Cao Cương, trong thời gian tới, các ban, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã toàn thành phố cùng phối hợp để thực hiện các nội dung trọng tâm trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của thành phố và của cả nước. Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.

Ngoài ra, mở rộng toàn diện nội dung truyền thông về quy mô, cơ cấu, quản lý và phân bố dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số. Chú trọng tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhất là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này