Công an TP.HCM tăng cường trấn áp tội phạm để người dân yên tâm đón Tết

16:02 | 08/12/2022
(LĐTĐ) Báo cáo tại phiên họp ngày 8/12 Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (HĐND TP.HCM) Khóa X, Thiếu tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, sẽ tăng cường lực lượng trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự để người dân đón Tết bình yên.
Tổng Giám đốc Bệnh viện FV lên tiếng việc xô xát với bảo vệ gây thương tích Bác sĩ Lê Anh Tuấn trúng tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện mắt TP.HCM TP.HCM: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, trong 11 tháng 2022, Công an ghi nhận hơn 3.700 vụ tội phạm về trật tự an toàn xã hội, giảm hơn 295 vụ so với cùng kỳ 2019 (trước dịch Covid-19). Lực lượng công an điều tra khám phá hơn 2.770 vụ, đạt gần 75%, bắt hơn 4.400 đối tượng.

Nổi lên trong 11 tháng qua có một số loại tội phạm như xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, nhất là giết ngườido mâu thuẫn bột phát, mâu thuẫn gia đình. Trong đó đáng chú ý có 11,8% tội phạm giết người có độ tuổi dưới 18.

Tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản) được kéo giảm mạnh so với năm 2019. Cụ thể, giảm 334 vụ, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (67,37%). Tội phạm về tổ chức đánh bạc dưới nhiều hình thức như số đề, đá gà, bài tây, cá độ bóng đá… với nhiều đối tượng tham gia, số tiền lớn.

Công an TP.HCM tăng cường trấn áp tội phạm để người dân yên tâm đón Tết
Thiếu tướng Lê Hồng Nam Giám đốc Công an TP.HCM báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: Thành uỷ TP.HCM.

Cùng đó, hoạt động tín dụng đen, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa, tung tin sai sự thật trên các mạng xã hội để đòi nợ cũng đang diễn tiến rất phức tạp…

Trước những diễn biến trên, Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho biết, Công an TP.HCM đã triển khai các giải pháp đồng bộ, chủ động nắm tình hình để tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Trong đó, lực lượng đã chủ động nắm tình hình, khám phá đường dây tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng trong mùa World Cup.

Công an TP.HCM đã đấu tranh, triệt phá các tổ chức, cá nhân hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật trên không gian mạng, trong đó điển hình là vụ việc xảy ra tại quận 4 và quận 12. Các công ty này với vỏ bọc công ty tài chính, văn phòng luật sư để cử nhân viên đòi nợ, quấy rối, chỉnh sửa hình ảnh vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người vay cùng người thân, bạn bè để gây sức ép trả tiền.

Về nhiệm vụ trọng tâm đảm bảm an ninh trật tự trên địa bàn, Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho biết, Công an TP.HCM sẽ mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Cùng với đó, tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự để đảm bảo cho người dân đón Tết bình yên.

Công an TP.HCM tăng cường trấn áp tội phạm để người dân yên tâm đón Tết
Công an quận 12 phối hợp với PC02 và các đơn vị kiểm tra Công ty luật TNHH Power Law vì nghi vấn có hoạt động đòi nợ thuê. Ảnh: CACC.

Lực lượng công an sẽ tăng cường ở các khu vực công cộng như nhà ga, bến xe, sân bay, bệnh viện… đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời đấu tranh, xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng đen theo phương thức đòi nợ khủng bố.

Công an TP.HCM ra khuyến cáo

Để đảm bảo trật tự cuối năm, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an TP.HCM khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ mặc dù không vay tiền, như sau:

1. Trước hết cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. (Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng).

2. Thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên.

3. Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ.

4. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

5. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này