Tăng tính hấp dẫn của mạng lưới xe buýt Thủ đô: Cốt lõi vẫn là hạ tầng

08:16 | 08/12/2022
(LĐTĐ) Phát triển hệ thống giao thông công cộng từ lâu được xem là một trong những giải pháp khả thi, bền vững để từng bước kéo giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội chưa hoàn thiện, bức tranh giao thông công cộng chưa đồng bộ nên việc phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt trong ít năm tới vẫn sẽ là giải pháp cơ bản và căn cơ nhất để giảm ùn tắc. Bởi vậy, việc tìm giải pháp để tăng tính hấp dẫn của mạng lưới xe buýt Thủ đô là yêu cầu bức thiết trong thời điểm này.
Đẩy nhanh nghiên cứu, đề xuất chiến lược vận hành phương tiện sử dụng năng lượng sạch Vì những chuyến xe an toàn và thân thiện

Còn nhiều rào cản

Hà Nội là một đại đô thị với quy mô dân số lên tới hơn 8,3 triệu dân. Đáng chú ý, Thành phố hiện có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn 1 triệu ô tô, gần 6,5 triệu mô tô các loại cùng khoảng 180.000 xe máy điện. Trong khi đó, 10 năm qua hạ tầng giao thông Thành phố đã có sự phát triển nhanh chóng. Dễ thấy là nhiều cây cầu được xây mới, nhiều tuyến đường được mở rộng.

Tăng tính hấp dẫn của mạng lưới xe buýt Thủ đô: Cốt lõi vẫn là hạ tầng
Xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ đạo của Hà Nội trong thời gian tới. Ảnh: Đinh Luyện

Tuy nhiên, ùn tắc giao thông vẫn là một trong những vấn đề nan giải Hà Nội phải đối mặt. Ùn tắc xảy ra trên nhiều tuyến phố nội đô và có xu hướng ngày càng trầm trọng. Trong bối cảnh đó, phát triển hệ thống giao thông công cộng được coi là một trong những giải pháp khả thi, bền vững để từng bước giảm ùn tắc giao thông.

Thực tế cũng chỉ ra, xét riêng trong hệ thống giao thông công cộng, Metro vẫn là phương tiện vận chuyển lý tưởng cho các thành phố lớn. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, khi mạng lưới Metro của Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng lên 35 - 45%, giảm người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318km để kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội mới có duy nhất tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông được vận hành khai thác thương mại. Gần nhất cũng chỉ có thêm tuyến Nhổn - ga Hà Nội đang vận hành thử nghiệm. Dù là vận tải công cộng khối lượng lớn nhưng trước mắt chưa thể trông đợi quá nhiều từ mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội. Bởi vậy, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn sẽ là giải pháp cơ bản, căn cơ nhất để giảm ùn tắc hiệu quả.

Thực tế cũng cho thấy, hiện xe buýt Thủ đô đang phải đối mặt với nhiều rào cản như hạ tầng lưu thông thiếu và yếu; khả năng kết nối, tiếp cận của xe buýt vẫn còn nhiều tồn tại; lượng phương tiện công cộng chỉ chiếm một lượng nhỏ so với nhu cầu đi lại; nhận thức của người dân với phương tiện công cộng còn nhiều định kiến…

Theo thống kê từ Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, đến hết tháng 10, các lực lượng tham gia vận tải công cộng gồm xe buýt, tàu điện… mới chỉ đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu đi lại của người dân. Đây là con số khá khiêm tốn và khó đáp ứng đủ chỉ tiêu đặt ra cho năm 2022 là khoảng 21-23%. Lý giải cho những khó khăn liên quan, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho rằng, ngành Giao thông đang phải phấn đấu tích cực, nỗ lực vì suốt nửa năm 2022 đời sống kinh tế bị chi phối bởi dịch Covid-19. Xe buýt mới trở lại hoạt động bình thường vào tháng 8 nên sản lượng năm 2022 không thể bằng thời điểm trước dịch.

“Điểm trừ” từ vận tải công cộng, trong đó điển hình là xe buýt mà Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội chỉ ra đó là mạng lưới chưa hợp lý khiến nhiều chuyến bị lòng vòng, làm giảm tính hấp dẫn; tính liên thông, trung chuyển nội mạng còn thiếu; trùng lặp tuyến... Ngoài ra, theo khảo sát của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, đa số hành khách đều cho biết thời gian chuyến đi kéo dài, không đúng giờ. Những dịch vụ phụ trợ như thông tin hành khách, hạ tầng, khả năng kết nối, tiếp cận vẫn còn nhiều tồn tại; nhận thức của người dân với phương tiện công cộng còn nhiều định kiến.

Làm sao để tăng tính hấp dẫn

Có thể thấy, vận tải hành khách công cộng đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền những lợi ích thiết thực của vận tải hành khách công cộng để người dân hiểu và sử dụng; Tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Hà Nội như chính sách giảm giá vé, đi xe buýt miễn phí… Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách cũng chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng để thu hút người dân sử dụng như mở rộng vùng phục vụ của xe buýt, đầu tư thay thế dần các phương tiện sử dụng dầu Diezel sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

Ở câu chuyện tăng tính hấp dẫn của mạng lưới xe buýt Thủ đô, tại tọa đàm - giao lưu trực tuyến với chủ đề “Làm gì để xe buýt hấp dẫn hơn”, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tập trung vào các giải pháp chính như rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả các tuyến để điều chỉnh khả năng tiếp cận của xe buýt.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát kết nối với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, kết nối từ không gian, thời gian, thông tin; Tổ chức hoạt động vận tải để các loại hình hỗ trợ nhau, cùng thu hút người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, từ phương tiện sức chứa lớn, sức chứa nhỏ, Metro, mini buýt, taxi, xe hai bánh… Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục tiếp nhận, rà soát sự phản ánh của hành khách để cải thiện chất lượng.

Ở góc độ đơn vị vận hành xe buýt, ông Lê Bảo Khánh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Xây dựng Bảo Yến cho biết, hiện xe buýt “mất điểm”, kém hấp dẫn trong mắt hành khách là bởi thời gian và vận tốc di chuyển chậm. Theo đơn vị khảo sát, đối với các tuyến buýt từ ngoại thành như Sóc Sơn, Đông Anh, thời gian di chuyển của buýt chỉ tương đương với phương tiện cá nhân. Riêng với nội đô, do tắc đường nên thời gian di chuyển và luồng tuyến của xe buýt cũng chịu nhiều ảnh hưởng. “Đơn vị cũng rất trăn trở vấn đề làm sao để xe buýt đi nhanh hơn, đảm bảo thời gian di chuyển và không ngừng nghiên cứu, đầu tư các dòng phương tiện mới, hiện đại có gia tốc đi nhanh hơn để đảm bảo thời gian đi lại cho hành khách nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn…” - ông Lê Bảo Khánh nhấn mạnh.

Chuyên gia giao thông TS. Phan Lê Bình chia sẻ, bản thân ông cũng là một trong những người thường xuyên đi xe buýt, trải nghiệm nhiều loại hình xe buýt ở các nước khác nhau. Ở góc độ cá nhân, TS. Phan Lê Bình nhận định, hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội tương đối ưu việt. Dù ưu việt nhưng số lượng hành khách các tuyến buýt vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng là một điều đáng tiếc.

Để xe buýt cạnh tranh với các phương tiện khác, theo TS. Phan Lê Bình, điều cần làm là được ưu tiên trên mặt đường, bởi xe buýt là phương tiện yếu thế trong cạnh tranh với ô tô, xe máy. Nguyên do xuất phát từ việc phương tiện này không kết nối được 2 đầu chuyến đi mà bắt buộc người tham gia sử dụng phải đi bộ. Do vậy, chỉ khi nào xe buýt có được làn ưu tiên trên mặt đường, có làn ưu tiên để chạy trong giờ cao điểm, đảm bảo thời gian di chuyển thì người dân mới sẵn sàng bỏ ô tô để đi xe buýt.

Trong bối cảnh hạ tầng giao thông Hà Nội như hiện tại, để phát triển xe buýt, để tăng sức hấp dẫn cho loại hình này không thể chờ khi có đầy đủ yếu tố như thẻ vé điện tử hay có làn ưu tiên… xe buýt vẫn phải vận động. Chỉ cần một hình ảnh người lái xe thay đổi, chỉ cần một tuyến xe buýt có chất lượng dịch vụ hấp dẫn thì cũng có thể thay đổi dần cách nhìn của người dân./.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này