Chuyển đổi số - Động lực cho thương mại điện tử

10:20 | 08/12/2022
(LĐTĐ) Thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong thời kỳ toàn cầu hóa với sự lên ngôi của công nghệ, để “đỡ chặng đường dài”, chuyển đổi số được coi là chìa khóa để phát triển.
Chung tay bảo vệ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi số an toàn Blockchain - công nghệ đòn bẩy cho kinh tế số

Doanh nghiệp luôn “vận động”

Với mục tiêu tiên phong ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong thương mại điện tử để tối ưu hóa lợi ích cho người tiêu dùng và nhà bán hàng, Lazada đã chủ động gỡ bỏ rào cản chi phí và địa lý trong giao nhận bằng cách xây dựng mạng lưới logistics với 4 trung tâm lựa chọn tự động và 120 trung tâm phân loại vệ tinh giúp hàng hóa được đưa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất.

Chuyển đổi số - Động lực cho thương mại điện tử
Ảnh minh họa.

Để làm được điều này, Lazada đã đầu tư công nghệ trí tuệ nhân tạo vào vận hành. Đồng thời triển khai sáng kiến logistics xanh để bảo vệ môi trường như giao hàng bằng xe đạp điện, xe máy điện.

Năm qua được xem là năm thăng hoa của sàn thương mại điện tử này với nhiều thành tích vượt trội, là một trong những sàn thương mại điện tử tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số. Theo đó, thương mại điện tử đã chuyển mình từ một kênh phụ trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp này.

Một lợi thế đặc biệt mà Lazada đã phát huy rõ trong đợt bùng phát dịch vừa qua là việc làm chủ khâu giao vận, logistics... giúp các doanh nghiệp duy trì bán và giao hàng. Những chính sách hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu cho cả người dùng lẫn đối tác của sàn đều xoay quanh hai trụ cột: Đầu tư công nghệ tiên tiến và hệ thống logistics bền vững.

Chia sẻ tại Hội thảo “Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững”, bà Ngô Thị Trúc Anh - Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada Logistics cho biết: “Đối với chúng tôi thì những phát triển về chiến lược bền vững đều xoay quanh công nghệ. Chúng tôi sử dụng công nghệ AI để gợi ý cho người tiêu dùng. Khi dùng công nghệ này người tiêu dùng được cá nhân hóa sở thích của họ, giúp tìm kiếm sản phẩm yêu thích, giúp giảm thiểu thời gian tìm kiếm, giúp cho nhà bán hàng nắm bắt được xu hướng phục vụ khách hàng tốt hơn.

Tiếp theo là livestream và game. Sự kết hợp này sẽ giúp khách hàng ở nhà nhưng vẫn có thể lên trên mạng giải trí rồi tìm kiếm mua sắm. Chúng tôi tạo ra công cụ giúp khách hàng có thể giải trí trong mua sắm từ đó giúp gia tăng doanh số cho nhà bán hàng. Còn về mặt đầu tư logistics, tôi cho rằng khi hạ tầng đáp ứng được chuỗi logistics thì sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường, giải quyết các vướng mắc của các bên như nhà bán hàng, nhà vận chuyển, người tiêu dùng”.

Theo bà Ngô Thị Trúc Anh trong giai đoạn 2020 - 2021 mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến toàn nền kinh tế song thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng vượt trội. Báo cáo thay đổi hành trình mua sắm tại Đông Nam Á “Từ nhu cầu tìm kiếm đến trải nghiệm nhận hàng” do Lazada thực hiện vào tháng 9/2022 cho thấy, 76% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mỗi tháng một lần trên thương mại điện tử, 83% người dùng Việt Nam có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử, 50% các đơn hàng trên thương mại điện tử ở Việt Nam được mua mà không có dự tính. Điều này cho thấy thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, và các sàn thương mại điện tử đã định hình những thói quen này. Các sàn thương mại vẫn tiếp tục là nền tảng giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả

App Grab là siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu Đông Nam Á, cung cấp các nhu cầu thiết yếu hằng ngày như: Giao nhận, di chuyển, các dịch vụ tài chính. Ban đầu Grab chỉ là một ứng dụng phục vụ di chuyển. Tuy nhiên với sự phát triển của thương mại điện tử, thời gian qua Grab đã tăng cường hợp tác để hỗ trợ tốt hơn cho người nông dân và nông sản Việt có được đầu ra khá tốt.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Grap Việt Nam cho biết, bên cạnh các ứng dụng quen thuộc như di chuyển, giao hàng, giao đồ ăn, từ năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát Grab còn hợp tác với các đơn vị triển khai dịch vụ đi chợ hộ. Dịch vụ này đã được triển khai tại Việt Nam sau Thái Lan và Indonesia.

Đồng thời để hỗ trợ người dân Grab cũng thực hiện nhiều chương trình chung tay vì nông sản Việt như hỗ trợ nông dân mở cửa hàng trực tuyến, tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ cho nông dân trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đưa nông sản đến tận tay người dùng và góp phần thúc đẩy chuyển đổi số. Đến nay, Grab có hệ sinh thái với hàng triệu người dùng tại 48 tỉnh thành, Garb góp phần tích cực vào hoạt động chuyển đổi số nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Cần các chiến lược tư duy bền vững

Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 đã nhận định thương mại điện tử là nền tảng đón đầu xu hướng tiêu dùng hiệu quả và phát triển bền vững, bất chấp những khó khăn của kinh tế toàn cầu. Không nằm ngoài sự chuyển dịch chung đó, các doanh nghiệp, thương hiệu đã tìm đến thương mại điện tử để mở rộng mô hình kinh doanh và tăng trưởng.

Trên thực tế, 2 năm vừa qua dưới tác động của Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bán lẻ. Nếu không có sự phát triển của thương mại điện tử, Việt Nam có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi kinh tế sau Covid-19.Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh của ngành thương mại điện tử gấp 5 lần so với các kênh khác. Rõ ràng thương mại điện tử tăng trưởng nhanh là động cơ đóng góp tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Các chuyên gia cho rằng, kinh doanh thương mại điện tử là cuộc chiến về chiến lược tư duy bền vững. Trên các sàn thương mại điện tử, một số thương hiệu có chiến lược bán hàng rất bài bản, tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh và đảm bảo phát triển thương hiệu. Các doanh nghiệp, nhà bán hàng cần xây dựng thương hiệu có chiều sâu, có chính sách chăm sóc khách hàng, chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng.

Bên cạnh đó, phải đầu tư tìm hiểu về thị hiếu đối tượng khách hàng để phục vụ, chăm sóc, hậu mãi, giữ chân khách hàng mua sắm. Với sự phát triển công nghệ hiện nay, những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể sử dụng các giải pháp, dịch vụ khách hàng do các doanh nghiệp thứ ba cung cấp.

Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, hiện nay thương mại điện tử không chỉ hoạt động độc lập mà liên kết với nhau để đánh giá, phân tích tâm lý khách hàng. Xu thế này qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng rõ nét. Việt Nam rất nhạy bén trong việc phân tích dữ liệu.

“Thương mại điện tử không chỉ là nền tảng độc lập mà dùng nhiều công cụ kết hợp như trí tuệ nhân tạo, các dữ liệu trên nền tảng xã hội khác để tích hợp đưa ra phân tích thị trường khách hàng. Chúng tôi khuyến khích các bạn trẻ sử dụng công nghệ trong bán hàng, xong phải xuất phát từ nhu cầu thị trường”, ông Phạm Hồng Quất nói.

Hiện kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển mình hướng tới nền kinh tế số, trong đó các nhà sản xuất cũng như khách hàng đã sử dụng các công nghệ số khác nhau để thu thập thông tin, kết nối, giao dịch và phát triển sản phẩm. Để “giữ sức đường dài” phục vụ người tiêu dùng tốt nhất, nhóm doanh nghiệp kinh doanh đa kênh, đa nền tảng đang ngày một sáng tạo, nỗ lực hơn để hoàn thiện dịch vụ của mình, hướng tới một nền thương mại điện tử bền vững./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này