“Chạy nước rút” hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chíp

10:21 | 08/12/2022
(LĐTĐ) Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, sau ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú bằng giấy sẽ hết giá trị sử dụng. Để đảm bảo Luật Cư trú được tiến hành đúng tiến độ, những ngày qua, Công an thành phố Hà Nội đã phát động “Cao điểm 90 ngày đêm”, dốc sức hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp và xác thực định danh điện tử cho người dân.
Hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip trước 30/9 Triển khai ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên thẻ CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh

"Vừa chạy, vừa xếp hàng”

Thực hiện “Đợt cao điểm 90 ngày, đêm triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai thi hành Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn quận Tây Hồ”, Công an quận Tây Hồ đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân gắn chíp cho 100% công dân trên địa bàn quận từ 14 tuổi trở lên theo quy định, đồng thời cấp định danh điện tử.

“Chạy nước rút” hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chíp
Công an quận Bắc Từ Liêm đến tận nhà lấy thông tin, làm căn cước công dân gắn chíp cho các trường hợp đi lại khó khăn.

Bên cạnh đó là phương pháp “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng hộ” để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trên địa bàn cài đặt và sử dụng phần mềm VNeID trên điện thoại thông minh; tăng cường thực hiện các nội dung, giải pháp quản lý tạm trú, xác minh và trả lời xác minh theo hướng dẫn. Không chỉ làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ những cán bộ, chiến sĩ công an còn đến tận nhà hỗ trợ làm căn cước công dân gắn chíp cho những người già yếu, người tàn tật. Bởi việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp kích hoạt định danh điện tử giúp họ không phải mang theo nhiều giấy tờ, giảm thủ tục hành chính khi đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh.

Bà Nguyễn Thị Minh con của cụ T (sinh năm 1932, trú tại Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) xúc động bày tỏ: “Mẹ tôi năm nay đã 91 tuổi, cụ vẫn tỉnh táo, minh mẫn nhưng do tuổi già lại mắc bệnh xương khớp khiến 2 chân đi lại khó khăn. Hôm nay là chủ nhật nhưng các đồng chí công an vẫn mang máy móc, thiết bị đến giúp mẹ tôi làm căn cước công dân. Sau này, mỗi lần đưa mẹ đi khám bệnh tôi không phải mang nhiều loại giấy tờ đi nữa. Tôi thực sự rất biết ơn các cán bộ, chiến sĩ đã hết lòng vì nhân dân phục vụ”, bà Minh chia sẻ.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 269/KH-CAHN-PV01-PC06 ngày 10/10/2022 về mở đợt “Cao điểm 90 ngày đêm” nhằm hoàn thành các chỉ tiêu bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp căn cước công dân, cấp định danh điện tử để chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời Luật Cư trú năm 2020 khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng. Công an thành phố giao Trưởng Công an các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc Công an Thành phố về tiến độ và chất lượng thực hiện kế hoạch của đơn vị mình. Phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện và kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc.

Tại hội nghị triển khai Kế hoạch 269, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cũng nêu quan điểm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, xếp những chuyện cá nhân sang một bên, toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ.

Khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng, bước vào giai đoạn mới hoàn toàn sử dụng công nghệ số, Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, đó là một bước tiến quan trọng hướng tới quốc gia số. Đưa ứng dụng công nghệ vào cuộc sống là điều cần thiết trong cuộc sống hiện đại, nhưng để số hóa hoàn toàn thông tin cá nhân là một điều không đơn giản. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến công nghệ bởi hệ thống chưa thực sự hoàn chỉnh, đang được bổ sung, cập nhật mới mỗi ngày…

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ

Với quyết tâm cao độ của lực lượng Công an từ Thành phố đến địa phương, dù còn hơn 10 ngày nữa mới tới thời hạn hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp do Bộ Công an và Thành phố đề ra, tuy nhiên, đến nay, nhiều địa phương của Hà Nội đã sớm hoàn thành nhiệm vụ. Điển hình như phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Trung tá Phương Minh Thắng - Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết: Thực hiện kế hoạch của Công an Thành phố về mở đợt “Cao điểm 90 ngày đêm” Công an quận Bắc Từ Liêm lựa chọn phường Xuân Tảo làm điểm, huy động sức mạnh tổng hợp của các ban ngành, đoàn thể tập trung lực lượng hoàn thành 100% chỉ tiêu cao điểm sau 7 ngày ra quân.

Cùng với Xuân Tảo, Công an quận cũng chỉ đạo mỗi công an phường lựa chọn 1 cảnh sát khu vực làm điểm. Đến nay, sau hơn 1 tháng triển khai, trên toàn quận đã hoàn thành 98% chỉ tiêu cao điểm, trong đó có nhiều chỉ tiêu hoàn thành 100%. Định danh điện tử được 182.136/176.846 (đạt 103%) trường hợp.

“Đạt được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng Công an quận còn phải kể đến sự hỗ trợ của quận đoàn có kế hoạch phát động toàn thể đoàn viên thanh niên của quận thành lập các tổ tình nguyện viên tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân, cán bộ, công nhân viên, người lao động, học sinh, sinh viên kích hoạt tài khoản định danh điện tự qua ứng dụng VNeID tại 22 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 146 tòa chung cư; 199 tổ dân phố; 13 trường Trung học phổ thông, 18 trường Trung học cơ sở, 23 trường tiểu học, 31 mầm non… trên địa bàn quận”, Trung tá Phương Minh Thắng nhấn mạnh.

Thiếu tá Đinh Phúc Thành - Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm chia sẻ, trong quá trình cấp Căn cước công dân gắn chíp, xác thực định danh điện tử, thỉnh thoảng xuất hiện lỗi như máy không quét được vân tay; không cho lưu đối với một số trường hợp; công dân có dữ liệu trên hệ thống, nhưng khi khai thác thì lại báo lỗi dẫn đến hồ sơ phải nhập thủ công. Việc làm sạch dữ liệu gặp khó khăn do nhiều trường hợp là nhân khẩu đã chuyển đi nhưng không rõ địa chỉ, chủ hộ đã chết, hộ gia đình chưa thống nhất được ai làm chủ hộ…

Là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Thị Hoa, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Long Biên chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, các trường hợp chưa thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp, xác thực định danh điện tử đều là những trường hợp khó, phải đến tận nhà để thu nhận…

Về phía chính quyền phường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thuỵ Khuê Lê Văn Thuỷ thông tin, những ngày qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường, Tổ đề án 06 phường (tổ thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ) thường xuyên tổ chức giao ban, kiểm điểm hằng tuần. Công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu và quán triệt đến các hội, đoàn thể giao chỉ tiêu, rà từng hộ, từng người. Với gia đình có người đi làm xa vắng mặt thì gửi giấy mời, hẹn giờ, hướng dẫn công dân đến nơi gần nhất để không phải chờ đợi.

“Đến thời điểm này, kết quả làm sạch, cập nhật thông tin căn cước công dân trên địa bàn phường Thụy Khuê đạt 100%. Hiện phường có hai điểm di động kích hoạt ở hai chung cư 69 Thụy Khuê và 121 Thụy Khuê. Phường quyết tâm đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra, góp phần cùng quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất”, ông Thủy khẳng định./.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này