Độc đáo “làng bách nghệ” Chàng Sơn

10:22 | 08/12/2022
(LĐTĐ) Chàng Sơn vốn là một làng nghề truyền thống nổi tiếng thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội. Dân Chàng Sơn cũng nổi tiếng là dân bách nghệ. Bởi ở đây, người dân có rất nhiều nghề truyền thống.
Nghệ thuật quạt giấy Chàng Sơn Người “giữ hồn” phường rối nước Chàng Sơn

Những người khéo tay, hay làm

Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Tây, người dân xã Chàng Sơn vốn nổi tiếng khéo tay hay làm. Bà Lê Thị Tám (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) cho biết, từ xưa đến nay, người ta gọi Chàng Sơn là “đất trăm nghề”, nghề gì cũng có, đơn cử như: Nghề mộc, nghề quạt, nghề làm nhà gỗ, nghề làm đũa… Thậm chí, từ lâu, ở đây người ta còn nói đùa rằng “6 người ăn chung 1 cây tre”, bởi từ cây tre có thể làm được 6 nghề khác nhau như: Nghề làm dát giường, nghề làm đũa, nghề làm quạt, nghề đan thúng, nghề làm nơm, nghề làm đòn gánh... Trong đó, nghề làm quạt là một trong những nghề nổi tiếng khắp cả nước.

Độc đáo “làng bách nghệ” Chàng Sơn
Chàng Sơn nổi tiếng với nghề làm quạt, hầu như gia đình nào cũng có người làm. Ảnh: Kim Tiến

Về thăm Chàng Sơn bây giờ, sẽ gặp cảnh nhà nhà làm quạt, người người làm quạt. Len lỏi vào từng con ngõ nhỏ, người ta sẽ thấy đầy quạt giấy cùng những bó tre tươi hong phơi thành hàng, thành lối. Từ nhiều đời nay, có nhiều loại quạt được người Chàng Sơn làm ra như: Quạt giấy, quạt ghép, quạt the, quạt thư pháp cho đến quạt lụa… Thế nhưng, nổi tiếng và đặc trưng nhất cho làng nghề tại đây vẫn là quạt the. Đây là loại quạt truyền thống không chỉ được xuất bán cho thương lái đưa đi khắp các vùng miền trên cả nước mà còn đến được với du khách quốc tế ở các điểm du lịch, xuất khẩu sang nước ngoài. Nguyên liệu cơ bản để làm nên một chiếc quạt giấy hay quạt the đều gồm: Tre, giấy, vải, hồ nếp. Khâu chọn lựa và xử lý nguyên liệu thật sự cần tới con mắt tinh tường và đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân.

Những người làm nghề ở đây chia sẻ, xưa kia, Chàng Sơn chủ yếu dùng giấy dó của Bắc Ninh. Ngày nay, giấy dó hiếm và giá cao, nên quạt Chàng Sơn chủ yếu được chế tác từ loại giấy khác. Khi vào giấy cho nan quạt phải thật khéo léo, tỉ mỉ, sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, tiện cho công việc vẽ tranh. Loại quạt vẫn bán tốt trên thị trường là quạt the dùng để các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật và dịp lễ hội. Không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà mỗi chiếc quạt Chàng Sơn còn mang trong mình một ý nghĩa triết lí lịch sử lâu bền. Quạt có thể là vật làm duyên trên tay của các cô thiếu nữ, các đức ông trong những dịp đặc biệt, hay những bức tranh nghệ thuật độc đáo treo trên tường để trang trí.

Cho đến nay, những chiếc quạt Chàng Sơn đã vượt đại dương xuất khẩu sang cả Nhật và Hàn Quốc với mẫu mã, chủng loại, kiểu dáng đa dạng. Trong đó, quạt tranh là loại cao cấp, dùng để trang trí tường đem đến một không gian đậm chất cổ kính, dân giã. Tên tuổi của những nghệ nhân như Dương Văn Mơ, Nguyễn Đức Lân, Nguyễn Lân Tuyết, Dương Văn Đoàn... không ai là không biết đến. Đặc biệt là nghệ nhân Dương Văn Mơ, người đã làm nên chiếc quạt lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam, dài 9m, cao 4,5m, vẽ tranh chợ quê Hà Nội theo mẫu tranh phố Hàng Trống trưng bày tại Lễ hội phố hoa Tết và Festival làng nghề truyền thống tổ chức tại Huế tháng 6/2009.

Đến nay, nghề làm quạt không chỉ đem lại thu nhập cao cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống một làng nghề lâu đời và góp phần quảng bá văn hóa Việt với bạn bè trong nước và quốc tế.

Nâng tầm làng nghề truyền thống

Không chỉ riêng nghề quạt mà ở Chàng Sơn, nghề mộc thủ công mỹ nghệ cũng được nhiều người biết đến. Tên làng nghề ngày xưa là Nủa Chàng, chữ “Chàng” ở đây được gắn với một dụng cụ làm nghề mộc. Chàng Sơn là một xã có cuộc sống lành mạnh, con người Chàng Sơn tinh anh nên từ xa xưa đã có câu: “Chớ cho Nủa coi” - ý nói người dân Nủa Chàng tinh anh, lanh lợi, ham học hỏi, giỏi bắt chước. Đến năm 1956, làng Nủa Chàng được gọi là Chàng Sơn.

Chàng Sơn ngày nay vẫn không thiếu những người thợ tài hoa, sản phẩm của họ làm ra, không còn dành cho những bậc vua chúa nữa mà để bán cho khách thập phương. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự trợ giúp của máy móc hiện đại, giờ đây công việc của người thợ mộc Chàng Sơn đã phần nào bớt nặng nhọc hơn, năng suất cao hơn. Vẫn còn đó những hoa văn, những đường nét đục đẽo tinh xảo mà chỉ có đôi tay người thợ mới có thể làm ra được. Người mua vẫn tìm đến nườm nượp, vẫn say đắm đến siêu lòng với những sản phẩm của làng nghề này. Mỗi gia đình đều là một xưởng, mỗi dòng tộc đều là một cánh thợ đi xa hành nghề.

Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, làng mộc Chàng Sơn chẳng những không bị mai một mà ngày càng mở rộng và phát triển. Ngày nay, với sự pha trộn các không gian văn hóa, kiến trúc, sự đan xen giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, nghề mộc Chàng Sơn càng có cơ hội phát huy tinh hoa của làng nghề xưa. Hơn thế, bằng sự tài hoa, khéo léo, sự chăm chỉ học hỏi, tiếp cận cái mới, nghề mộc Chàng Sơn được nâng tầm phát triển, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm mộc của các làng nghề trên cả nước. Những sản phẩm của nghề mộc Chàng Sơn ngày càng phong phú đa dạng hơn từ sập gụ, tủ chè, án gian, thiều châu, cửa võng, hoành phi câu đối, chạm, khắc đình chùa…

Đặc biệt Chàng Sơn còn khẳng định vị thế vững chắc trong nghề làm nhà gỗ. Các thế hệ như anh Nguyễn Huy Khiêm là con trai của nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến vẫn đang tiếp tục kế thừa, gìn giữ bản sắc làng nghề, phát huy tốt sự nghiệp của gia đình. Những công trình nhà cổ mang đậm bản sắc văn hóa Việt được ra đời từ đó và hơn hết là phục vụ chính nhu cầu của người dân.

Giờ về Chàng Sơn, vẫn những tên xóm tên làng nghe dân dã mà thân thương, như thể bất kỳ làng quê Bắc bộ nào như xóm Đình, xóm Chùa, xóm Giếng… Chỉ có điều, với nguồn lực nội sinh kỳ diệu, nhiều hộ dân Chàng Sơn đã có doanh thu lớn từ sản xuất mộc, quạt, mây giang đan… Cùng với các xã khác, Chàng Sơn đã góp phần đưa kinh tế tiểu thủ công nghiệp Thạch Thất trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu các địa phương của ngoại thành Hà Nội; làm rạng danh làng nghề xứ Đoài từ sức mạnh nội sinh./.

Trước kia người Chàng Sơn sống chủ yếu vào nông nghiệp, những nghề truyền thống chỉ là nghề làm thêm. Tuy nhiên, đến nay khi quỹ đất càng ít đi vì phải xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, nghề nông không còn phổ biến. Từ đó người Chàng Sơn tập trung vào phát triển những làng nghề cổ truyền như: Làm quạt, tạc tượng, nghề mộc, làm nhà gỗ cổ truyền… Có thể thấy, từ những nghề vốn được coi là nghề phụ nhằm giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn, đến nay, nhiều nghề truyền thống đã mang lại thu nhập chính, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân Chàng Sơn.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này