Bình Dương: Doanh nghiệp cần tuyển 10.000 lao động để khôi phục sản xuất

20:33 | 07/12/2022
(LĐTĐ) Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có 37.000 lao động bị hoãn hợp đồng trong đó có 6.000 lao động phải nghỉ việc hẳn.
Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam làm việc với LĐLĐ tỉnh Bình Dương Vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương: Khởi tố thêm hai cán bộ PCCC Bình Dương: Sẽ lắp đặt gần 500 camera giám sát tại các “tuyến đường tử thần”

Tại buổi họp báo định kỳ do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 7/12, ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bình Dương cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn tỉnh có 37.000 lao động bị hoãn hợp đồng, 250.000 lao động bị giảm giờ làm. Trong số 37.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng có khoảng 6.000 lao động phải nghỉ việc hẳn. Những lao động này dù tạm thời về quê sinh sống nhưng vẫn giữ liên lạc với công ty để khi có việc làm sẽ quay trở lại làm việc.

Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn không có đơn hàng, khó khăn trong việc nhập nguyên liệu. Tuy nhiên thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để khôi phục sản xuất với số lượng khoảng 10.000 người. Đây là cơ hội tìm việc làm mới cho người lao động sau một thời gian nghỉ việc.

Bình Dương: Doanh nghiệp cần tuyển 10.000 lao động để khôi phục sản xuất
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương thông tin tại buổi họp báo.

Cũng tại buổi họp báo, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã thông tin về việc chi 469 tỷ đồng tiền ngân sách để lắp đặt 421 camera giám sát cháy, giám sát an ninh, an toàn giao thông. Cụ thể Thượng tá Nguyễn Minh Thân - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thông tin dư luận cho rằng chi tiền ngân sách để lắp camera hơn 1 tỉ đồng/chiếc là chưa đúng.

Bình Dương: Doanh nghiệp cần tuyển 10.000 lao động để khôi phục sản xuất
Công an tỉnh Bình Dương thông tin về việc lắp đặt 421 camera.

Thay vào đó, kinh phí lắp 421 camera với số tiền 469 tỉ đồng chỉ là ước tính. Đây là tổng mức đầu tư bao gồm mua camera, đẩu tư nhà trung tâm điều hành, trung tâm lưu trữ dữ liệu, hệ thống đường truyền.

“Hiện dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, các bước chuẩn bị còn chưa hoàn tất. Để tránh lãng phí, khi xem xét phê duyệt cụ thể đề án lắp camera của Công an tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu phải xem xét để phối hợp với hệ thống camera do các chủ đầu tư dự án đường giao thông BOT, hạ tầng các khu công nghiệp đã có camera để tích hợp, không lãng phí”, Thượng tá Nguyễn Minh Thân - Phó Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Bình Dương cho biết.

Trước đó, theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh này đang đẩy nhanh tiến độ lắp đặt gần 500 camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Theo đó đến nay đã có 7 địa phương gồm thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, Thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, Thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng ban hành kế hoạch triển khai lắp đặt hệ thống camera trên địa bàn. Riêng đối với cấp tỉnh, dự kiến sẽ lắp đặp 28 camera giám sát giao thông và giám sát vi phạm tín hiệu đèn giao thông tại 3 giao lộ thuộc tuyến đường Quốc lộ 13 trên địa bàn Thị xã Bến Cát. Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn dự kiến sẽ bố trí 40 camera. Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát cháy, giám sát an ninh, an toàn giao thông sẽ được triển khai tại 205 điểm với 421 camera. Dự kiến chậm nhất đến tháng 6/2023 tỉnh Bình Dương sẽ đưa gần 500 camera nói trên vào vận hành.

Thành Đồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này