Doanh nghiệp cần cẩn trọng trước những "cơn gió ngược"

16:54 | 06/12/2022
(LĐTĐ) Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp không nên quá chủ quan bởi thách thức và những "cơn gió ngược" vẫn còn ở phía trước.
Viettel đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam 2022 Nới room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy: Cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và người lao động

Tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh đang chững lại

Lạm phát toàn cầu vẫn được dự báo đang đạt đỉnh, dù các chỉ số lạm phát toàn cầu cũng không còn căng thẳng như năm 2022 nhưng cũng chưa thể chấm dứt. Bởi vì các nước cũng sẽ phải cố gắng kìm chế lạm phát để quay trở về lạm phát mục tiêu của họ. Do vậy việc duy trì các chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn có thể sẽ tiêp tục diễn ra trong năm 2023.

Từ năm 2000 đến nay, xếp hạng Tự do kinh tế đối với Việt Nam theo đánh giá của Viện Fraser luôn nằm dưới thứ hạng 100, thể hiện hiệu quả thị trường kém. Cụ thể, năm 2000 Việt Nam đạt 5,58 điểm và thứ hạng 105; năm 2010 đạt 5,9 điểm và thứ hạng 128; năm 2015 Việt Nam đạt 6,04 điểm với thứ hạng 126. Năm 2022 theo xếp hạng Tự do kinh tế 2022, Việt Nam ở vị trí cuối bảng, xếp thứ 113/165 nền kinh tế, với 6,42 điểm (thang điểm 10).

Mặc dù đã có sự cải thiện nhờ sự quyết liệt của Chính phủ trong những năm gần đây, tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, có thể do tác động của dịch bệnh nên tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị chững lại.

Doanh nghiệp cần cẩn trọng trước những
Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp (ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo "Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường", tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), nhấn mạnh: “Một điểm mà chúng tôi vẫn thống nhất rằng trong năm 2022 một số chính sách về ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của Chính phủ đã làm tốt, và đã ổn định được mặt bằng giá cả. Khả năng chỉ số lạm phát trong năm 2022 cũng chỉ trên 3% và chỉ số lạm phát cơ bản chỉ trên 2%. Việc ổn định kinh tế vĩ mô tạo ra nền tảng tốt cho sức phục hồi, sức bật của nền kinh tế”.

Tuy nhiên, ông Việt cũng cho rằng, ở đâu đó, một số ngành, một số lĩnh vực vẫn còn có sự hạn chế nhất định. Ví dụ trong 9 tháng đầu năm, một số mặt hàng thiết yếu về lương thực, năng lượng, tỷ giá có sự bất ổn. Cùng với đó, dưới áp lực cạnh tranh về tỷ giá và lãi suất trên thế giới, cũng gây ảnh hưởng đến tỷ giá của đồng tiền Việt Nam so với đồng Đô la.

Không đợi nước đến chân mới nhảy

Trong năm 2022, Việt Nam đã có sự phục hồi tăng trưởng tương đối thành công so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, đặc biệt là đạt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2022.

Phân tích các thành công trong năm qua, tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt cho rằng, không thể thiếu đóng góp của kinh tế đối ngoại mà bằng chứng là dòng vốn FDI có sự gia tăng so với những năm trước. Đặc biệt doanh nghiệp đã có sự tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Theo Tổng Cục thống kê, giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đã vượt năm 2021 và giá trị thặng dư là 10 tỷ Đô la. Đó là con số rõ nét, cho thấy sự hội nhập của Việt Nam vào các thể chế kinh tế thông qua các FTA mà Việt Nam đã kịp tận dụng.

“Có một điều đáng tiếc là chúng tôi rất kỳ vọng vào vốn đầu tư công và sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các gói phục hồi kinh tế. Do nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân về mặt thể chế, những ngập ngừng về mặt chính sách và những rụt rè từ cơ quan thực thi khiến chúng ta đang có độ trễ nhất định. Tôi kỳ vọng đầu tư công vào hỗ trợ kinh tế, đây sẽ là động lực lớn trong quá trình phục hồi phát triển kinh tế của Việt Nam sau Covid-19”, tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt nói.

Doanh nghiệp cần cẩn trọng trước những
Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng (ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Dự đoán về tình hình kinh tế năm 2023, ông Việt cho rằng vẫn còn nhiều bất ổn và đưa ra cảnh báo: Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng chúng ta không nên quá chủ quan bởi thách thức và những “cơn gió ngược” vẫn còn ở phía trước. Lạm phát toàn cầu vẫn được dự báo đang đạt đỉnh, các chỉ số lạm phát toàn cầu cũng không còn căng thẳng như năm 2022 nhưng cũng chưa thể chấm dứt. Bởi vì các nước cũng sẽ phải cố gắng kìm chế lạm phát để quay trở về lạm phát mục tiêu của họ. Do vậy việc duy trì các chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn có thể sẽ tiếp tục trong năm 2023.

Do các yếu tố tác động bất ổn trước, trong và sau Covid-19, kèm theo các cuộc xung đột, dự báo sự suy giảm kinh tế trên thế giới là hiện hữu và xảy ra hầu hết các khu vực trên các nền kinh tế. Theo đó cũng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Việt Nam.

Cùng với đó là một số sự sụt giảm về sản xuất, hướng tới xuất khẩu của Việt Nam do sự thắt chặt chi tiêu, tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, trong đó các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu. Mặt hàng may mặc, da giày, điện tử viễn thông có sự sụt giảm trong các quý cuối của năm 2022 này, cho thấy sự khó khăn về đầu ra của đơn hàng; và có sự lác đác các hiện tượng sa thải người lao động trong khối sản xuất nói chung, khối xuất khẩu và khối đầu tư nước người nói riêng.

“Làm sao để doanh nghiệp có sức sống mãnh liệt, vượt qua những "cơn gió ngược", trở nên năng động, thích ứng với bối cảnh, cần có sự phối hợp của bàn tay quản lý của nhà nước, và sự chủ động của doanh nghiệp. Tôi cho rằng doanh nghiệp thay vì chờ đợi và kêu gọi sự hỗ trợ từ phía nhà nước, nên chủ động tham gia góp tiếng nói vào việc cải thiện các cách tiếp cận của nhà nước trong chính sách vĩ mô cũng như môi trường kinh doanh và quản lý. Nhà nước và doanh nghiệp không đợi nước đến chân mới nhảy mà chúng ta phải lường trước được khó khăn, thách thức và có dự báo rủi ro trong tương lai”, tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này